Nghệ An: Gia tăng bệnh nhân bị đột quỵ do thời tiết lạnh

01-02-2023 06:59:48

Do thời tiết diễn biến lạnh bất thường đã khiến số lượng bệnh nhân phải nhập viện ở Nghệ An điều trị tăng đột biến (tăng hơn 150%). Chủ yếu điều trị các bệnh đột quỵ, tim mạch, hô hấp

Sự kiện:
Nghệ An


Tại Trung tâm Đột quỵ, mỗi ngày có khoảng 20-25 bệnh nhân vào điều trị. Ảnh Báo Nghệ An.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng đột biến (tăng hơn 150%). Theo đó, chỉ trong sáng 31/1, có khoảng 1.300 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho 2.200 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh bệnh đột quỵ, tim mạch và hô hấp.

Theo Báo Sức khẻo và đời sống, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Toàn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân vào trung tâm điều trị tăng nhanh, mỗi ngày có khoảng 20-25 bệnh nhân vào điều trị. Trong đó, bệnh nhân đột quỵ não cấp, cấp tính chiếm khoảng 10-15%.

Hiện, trung tâm đang điều trị nội có cho 110 bệnh nhân, bệnh nhân bị nhồi máu não chiếm 80%, 20% còn lại bị xuất huyết não, trong đó có khoảng 40 bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải chăm sóc cấp 1. Bệnh nhân bị đột quỵ đang điều trị tại đây có độ tuổi từ 65 - 80 tuổi. Tuy nhiên, cũng có 4 bệnh nhân dưới 40 tuổi…

Cũng theo bác sĩ Toàn, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ cao xuống thấp trong ngày là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân đột quỵ. Khi nhiệt độ xuống khoảng 15 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng lên 80% so với những thời điểm nhiệt độ bình thường. Bệnh nhân thường bị đột quỵ vào thời gian đêm khuya và sáng sớm. Kèm theo đó là người bệnh mắc các bệnh nền mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý chuyển hóa khác…. nên dễ bị đột quỵ.

Chính vì vậy, để dự phòng, giảm nguy cơ đột quỵ não, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ, và mắc bệnh nền mãn tính cần kiểm soát yếu tố nguy cơ bằng việc sử dụng thuốc điều trị bệnh mãn tính theo đúng khuyến cáo, chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trong điều kiện thời tiết lạnh, mạch máu ngoại biên co lại, làm huyết áp tăng lên, tăng độ nhớt của máu khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Vậy nên, cần ít tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột, nhất là thời điểm sáng sớm và buổi chiều, buổi đêm. Đối với người già, không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết.

Người dân cũng nên tập thể dục ở mức độ vừa phải, nên tập ở trong nhà thoáng và ấm, không nên tập ngoài trời. Khi có nhu cầu ra ngoài nhà cần mặc đủ ấm, đội mũ, đeo găng tay… Để phòng bệnh, mọi người cũng cần phải ăn uống đủ chất, tăng cường ăn thêm rau, củ, quả.

Cần đặc biệt lưu ý, khi thấy người thân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám, cấp cứu, chuyển tuyến điều trị kịp thời, tránh bỏ lỡ “thời gian vàng” để tăng cơ hội sống, giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi tốt và tránh các di chứng - Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Toàn khuyến cáo.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //