Ngã cầu thang đập đầu xuống nền cứng, bé 3 tuổi nguy kịch

21-08-2020 11:09:26

Trước khi nhập viện cấp cứu, bé 3 tuổi bị ngã cầu thang, đầu đập xuống nền cứng. Lúc này, bé tỉnh táo nhưng sau đó khoảng 45 phút, bé xuất hiện tình trạng đau đầu, nôn vọt.

Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.  Ảnh: GĐ&XH

Ngày 21/8, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết vừa tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi ngã cầu thang. Cụ thể, bệnh nhi là cháu P.Đ.P. (trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh). 

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó, cháu P. bị ngã cầu thang, đầu đập xuống nền cứng. Sau khi ngã, bé tỉnh, không nôn, tuy nhiên, sau 45 phút, bé xuất hiện tình trạng đau đầu, nôn vọt nên gia đình đã đưa bé đến viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, kết quả khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy, hình ảnh khối tăng tỷ trọng không đều dạng máu tại vị trí đỉnh phải và thái dương phải, chỗ dày nhất 20mm, có hình ảnh gãy xương đỉnh và thái dương phải, sưng nề phần mềm vùng da đầu của bệnh nhi.

Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh thái dương phải, gãy xương đỉnh và thái dương phải. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật mổ cấp cứu lấy máu tụ trong sọ, ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não cho bệnh nhi.

Ngay sau hội chẩn, bệnh nhi được chuyển thẳng lên phòng mổ, các bác sĩ tiến hành khoan xương sọ, mở hộp sọ quan sát thấy bề mặt màng cứng có nhiều khối máu cục, xen lẫn máu tươi đang chảy… 

Nhận định tình trạng nguy kịch của trẻ, kíp phẫu thuật tiến hành lấy bỏ hết khối tụ ngoài màng cứng, đốt điện cầm máy diện chảy máu bề mặt màng cứng cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật thành công sau hơn 1h. Hiện tình trạng bệnh nhi ổn định, không có dấu hiệu bất thường, được theo dõi đặc biệt tại Khoa Gây mê hồi tỉnh.

Qua trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh trẻ ngã từ trên giường xuống khi chơi hoặc ngủ, các bậc phụ huynh phải luôn luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ chơi một mình, đặc biệt là những bé vừa mới biết trườn bò. 

Bên cạnh đó, cần làm tấm chắn nơi giường trẻ nằm, lối đi ra cầu thang, bếp nấu ăn, ban công. Các cửa sổ nếu mở cho thoáng phải có song đã được khóa kỹ để tránh trường hợp trẻ biết đi leo trèo gây nguy hiểm.

Nếu trẻ nằm giường hay nôi, võng cần phải che chắn an toàn sao cho trẻ không bị rơi xuống sàn. Dưới chân giường cần trải nệm, tường sát giường cũng được dán tấm xốp, tấm nệm mút lên đề phòng trẻ hiếu động tập bò, tập lẫy có thể va đầu vào tường. Chú ý nôi, võng dây cột phải chắc và đưa lắc nhẹ nhàng khi trẻ ngủ.

Đối với trẻ nhỏ, khi cho trẻ ngồi vào ghế cao hay xe đẩy phải có dây đai giữ; hạn chế cho trẻ ngồi xe tập đi vì có thể làm trẻ lộn nhào. Đối với trẻ lớn ở độ tuổi đi học, cha mẹ và nhà trường cần giảng giải cho trẻ biết nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh tai nạn.

Ngoài ra, theo các bác sĩ, trong một số trường hợp,  mặc dù bị chấn thương sọ não nhưng bé chưa có biểu hiện gì khi thăm khám và sẽ được bác sĩ cho về nhà. Bé cần được theo dõi tiếp trong vài ngày sau đó. 

Nếu bé một trong các dấu hiệu: quấy khóc nhiều; đau đầu gia tăng; buồn nôn hay nôn nhiều; gặp khó khăn khi đi lại, nói năng hoặc nhìn; lơ mơ, khó đánh thức; cử động bất thường, co giật… gia đình cần đưa bé đi khám lại ngay để đảm bảo an toàn.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //