Nắng nóng làm gia tăng một số bệnh lý nguy hiểm
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm với sức khỏe người dân.
Có thể gây tử vong
Nắng nóng xảy ra liên tiếp những ngày qua khiến nhiều người mệt mỏi. Tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đến thời điểm này chưa tiếp nhận ca sốc nhiệt nào. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương nắng nóng còn kéo dài và lên cao trong những ngày tới.
Khi nghi ngờ bị say nắng, cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế sớm nhất để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong
Trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè dễ khiến cơ thể con người mệt mỏi, mất nước, đặc biệt rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt. Các biểu hiện có thể gặp như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... Ngoài ra có thể gây đột quỵ và nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục thậm chí dẫn tới tử vong.Các chuyên gia y tế cảnh báo say nắng là tình trạng thường gặp khi phải lao động hoặc đi bộ lâu ngoài nắng, nhất là buổi trưa khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại.
Ngoài say nắng theo các chuyên gia y tế thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây ra tình trạng sốc nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Đặc biệt nguy hiểm của thời tiết nắng nóng là ảnh hưởng tới sức khỏe của những đối tượng dễ bị tổn thương như người già và trẻ nhỏ.Say nắng có thể bị biến chứng như tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất ngôn, vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan....
Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với trẻ em, thời tiết nắng nóng, ngoài các bệnh trẻ hay mắc phải, một số bệnh do vi rút gây nên như chân tay miệng, viêm não, hô hấp, rối loạn tiêu hóa, viêm phổi, đặc biệt nguy hiểm là chứng rối loạn tiêu hóa do nhiễm độc thức ăn thường hay gặp trong mùa nắng nóng.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Để xử trí khi bị say nắng, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt, để người bệnh nằm chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối. Chườm lạnh bằng nước đá lạnh khắp người, đặc biệt ở những vùng có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
Có thể phun nước lạnh vào người bệnh nhân (tránh phun vào mũi miệng) đồng thời chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ sốc, áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi...
Để hạn chế tối đa hệ lụy của nắng nóng vào mùa hè người dân nên uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi...
Mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi. Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính...
Ông Trần Minh Điển cho rằng, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, cần bù nước đầy đủ để không gây mất nước... Tuy nhiên, mọi người không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Chú ý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để bảo đảm đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Với trẻ nhỏ, ông Điển khuyến cáo, các bà mẹ cần chú ý cho con vào chỗ mát, thực hiện ăn chín, uống sôi. Đặc biệt trong Hè, các cháu được nghỉ học, phụ huynh cần chú ý không cho trẻ chạy nhảy ngoài đường và ăn uống phải hợp vệ sinh.
"Nếu đi nghỉ mát, không nên cho các cháu tắm từ 10 giờ đến 16 giờ vì đó là khoảng thời gian tia cực tím rất mạnh. Đồng thời, các bậc phụ huynh cần tránh cho trẻ ra, vào phòng lạnh liên tục do sự chênh lệch nhiệt độ lớn so với bên ngoài dễ gây sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng", Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.