Mỹ mua gần hết thuốc trị Covid-19 đầu tiên của thế giới, chuyên gia lo ngại

01-07-2020 15:47:07

Chính quyền Tổng thống Trump đã cho thấy rằng Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn tất cả các quốc gia khác để đảm bảo các nguồn cung y tế cần thiết cho nước này.


Mỹ mua gần hết thuốc trị Covid-19 đầu tiên của thế giới, chuyên gia lo ngại

Mỹ đã thu mua gần như tất cả kho thuốc remdesivir trên toàn cầu, khiến cho Anh, EU và hầu hết phần còn lại của thế giới không còn nguồn hàng. Chính quyền Tổng thống Trump đã cho thấy rằng Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn tất cả các quốc gia khác để đảm bảo các nguồn cung y tế cần thiết cho nước này.

Tiến sĩ Andrew Hill, một học giả tại Đại học Liverpool nhận định: "Họ đã có được hầu hết nguồn cung thuốc remdesivir, vì thế châu Âu chẳng còn lại gì".

Remdesivir do Gilead sản xuất là loại thuốc đầu tiên được các nhà chức trách tại Mỹ cấp phép nhằm điều trị dịch bệnh Covid-19 khi cho thấy tính hiệu quả trong việc giúp các bệnh nhân phục hồi nhanh hơn. Lô remdesivir đầu tiên gồm 140.000 liều được cung cấp cho các cuộc thuộc thử nghiệm đã sử dụng hết. Chính quyền Tổng thống Trump hiện đã mua hơn 500.000 liều, vốn là tất cả lượng sản phẩm Gilead sản xuất cho tháng 7 và chiếm 90% lượng sản xuất tháng 8 và tháng 9.

"Tổng thống Trump đã có một thỏa thuận đáng kinh ngạc nhằm đảm bảo người Mỹ có thể tiếp cận phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên được thông qua. Với phạm vi khả năng có thể, chúng tôi muốn đảm bảo rằng bất kỳ bệnh nhân Mỹ nào cần remdesivir đều có thể nhận được loại thuốc này. 

Chính quyền Tổng thống Trump đang làm mọi thứ trong phạm vi quyền lực của mình để hiểu hơn về các liệu pháp chữa trị Covid-19 và đảm bảo người dân Mỹ có thể tiếp cận tất cả các lựa chọn này", Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho hay.

Theo thông báo của chính phủ Mỹ, chi phí cho loại thuốc này là khoảng 3.200 USD/6 liều.

Việc Mỹ mua gần hết thuốc remdesivir trên toàn cầu không chỉ là phản ứng trước sự lan rộng của dịch bệnh mà còn là thái độ "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Trump, trang The Guardian đánh giá.

Giáo sư Barbara Mintzes thuộc Trung tâm Charles Perkins và Trường Dược Đại học Sydney cho biết nếu remdesivir chứng minh tính hiệu quả trong việc điều trị Covid-19 thì loại thuốc này không chỉ cần thiết ở Mỹ mà còn là toàn cầu, trong đó có Australia.

"Việc Mỹ sắp xếp mua 500.000 liều remdesivir từ Gilead làm dấy lên mối lo ngại không chỉ về việc tiếp cận thuốc chữa Covid-19 tại các quốc gia khác mà còn về việc làm sao để ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi trong đại dịch, cũng như đảm bảo các bệnh nhân cần điều trị có thể nhận được thuốc chữa", giáo sư Barbara nhận định.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins tính đến 7h30 ngày 1/7 (theo giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 42.528 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên gần 2,6 triệu người. Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đang là 127.322 ca, tăng 1.199 ca trong 24 giờ qua. 

Tình hình dịch lây lan đã buộc nhiều thống đốc bang, đặc biệt ở các bang miền Tây và Nam, phải tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại. Trong ngày 30/6, bang Texas ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ khi bùng dịch, với gần 7.000 ca, nâng tổng số ca mắc ở bang này lên 159.986 ca, trong đó có 2.424 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, hạt Harris - nơi tọa lạc thành phố Houston lớn thứ 4 của Mỹ, đã gia hạn lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ sở kinh doanh thêm 2 tháng, đến ngày 26/8. Những người vi phạm sẽ bị xử phạt lên tới 1.000 USD. 

Trong khi đó, bang California vừa phát hiện một ổ dịch tại nhà tù San Quentin, một trong những cơ sở giam giữ lâu đời nhất ở bang này, với hơn 1.000 tù nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Thống đốc Gavin Newsom cho biết 42% trong số hơn 3.500 tù nhân ở nhà tù này bị xếp vào nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 ở nhà tù San Quentin hiện chiếm 50% số ca mắc tại các nhà tù trên toàn California, bang đông dân nhất của Mỹ và là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Tính đến nay, California có hơn 200.000 ca mắc Covid-19 và gần 6.000 ca tử vong.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), nhận định Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19. Phát biểu trước Quốc hội ngày 30/6, ông Fauci cho rằng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày, hơn gấp đôi mức 40.000 ca/ngày hiện nay, nếu nước này không thực hiện nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phòng dịch khác.

Ông khuyến cáo người dân Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, đeo khẩu trang và tránh đến nơi đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

 

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //