Muốn biết cơ thể đang thiếu vitamin loại nào, cứ nhìn vào những biểu hiện này sẽ rõ

17-10-2019 07:17:10

Bạn sẽ không nghĩ rằng cơ thể mình đang thiếu vitamin trầm trọng cho đến khi gặp phải hàng loạt triệu chứng bất thường sau đây.

Ngày nay, việc sử dụng các loại thực phẩm tiện lợi đã dần trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của chúng ta. Do vòng quay tất bật giữa công việc cũng như cuộc sống nên việc thu xếp để nấu một bữa ăn thịnh soạn với đầy đủ các chất dinh dưỡng từ tự nhiên gặp phải nhiều khó khăn.

Thay vào đó, chúng ta sẵn sàng mua hàng lô hàng lốc thứ đồ hộp về và chất đầy trong tủ lạnh của nhà mình. Điều này vô tình khiến chính bản thân chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vitamin trầm trọng.

Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể khi cơ thể rơi vào tình trạng thiếu vitamin, kèm theo đó là những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, các loại thực phẩm thực sự hữu ích dành cho bạn.

Nhìn kém về ban đêm: thiếu vitamin A

Nếu bạn không gặp các vấn đề về mắt như cận thị, viễn thị hay loạn thị… nhưng bạn vẫn cảm thấy ngại khi phải đi ra ngoài đường vào ban đêm chỉ vì bạn biết mình bị hạn chế về tầm nhìn? Hãy lưu ý vì rất có thể bạn đang thiếu hụt vitamin A đấy!

Vitamin A là dưỡng chất cần thiết để làm cho các sắc tố của các tế bào tiếp nhận ánh sáng trong đôi mắt bạn, giúp bạn nhìn thấy mọi vật trong điều kiện ánh sáng thấp. Nếu bạn không có đủ vitamin A, tầm nhìn ban đêm của bạn có thể bị hạn chế.

Để bổ sung vitamin A, bạn hãy chú ý bổ sung các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn; rau màu cam như cà rốt, khoai lang, ớt chuông đỏ, dưa đỏ và trứng.

Tê liệt bàn chân: thiếu vitamin B12

Nếu bạn thường xuyên bị tê liệt hoặc mất cảm giác ở bàn chân thì rất có thể bạn đang thiếu vitamin B12 trong cơ thể. Ngoài ra, dấu hiệu của việc thiếu vitamin B12 còn được biểu hiện ở tình trạng cân nặng thường xuyên bị giảm hụt.

Vì vitamin B12 rất cần thiết cho sức khỏe và chức năng của não bộ cũng như hệ thần kinh. Do đó, khi bạn không cung cấp đủ vitamin B12 cho cơ thể sẽ dẫn dến tình trạng não bộ gặp khó khăn trong giao tiếp với các dây thần kinh, gây ra hiện tượng tê liệt bàn chân.


Để tăng cường vitamin B12 trong chế độ ăn uống, bạn có thể chọn ăn thực phẩm từ động vật như cá, thịt gà, các sản phẩm sữa và ngũ cốc.

Đau nhức cơ bắp: thiếu vitamin D

Nếu bạn nhận thấy rằng bạn thường xuyên có cảm giác đau nhức cơ bắp mà không tìm thấy nguyên nhân cụ thể thì rất có thể bạn đã bị thiếu vitamin D một cách trầm trọng.

Sự thiếu hụt vitamin D có thể coi là một trong những vấn đề phổ biến, nhưng các triệu chứng của nó lại rất mơ hồ. Bạn nên để ý kỹ hơn khi việc đau nhức cơ kèm theo các vấn đề về răng và xương. Bởi vitamin D là thành phần cần thiết cho xương chắc khỏe, răng và cơ bắp cũng vậy.

Để tăng cường vitamin D cho cơ thể, bạn cần lưu ý bổ sung các thực phẩm sau vào chế độ ăn uống của mình: Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai); các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ (chỉ nên ăn cá ngừ 2 lần/tuần để tránh nhiễm thủy ngân cao). Ngoài ra, hãy thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng sớm để cơ thể được hấp thụ vitamin D tốt nhất.

Phản xạ chậm: thiếu vitamin E

Nếu bạn luôn phải mất một thời gian để phản ứng với những hoạt động bất ngờ diễn ra trước mặt thì không có nghĩa là bạn vụng về, mà có thể đó là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin E trong cơ thể.

Vitamin E cũng giống như vitamin B12, là chất cần thiết cho sức khỏe thần kinh, giúp kết nối các thông tin liên lạc giữa não bộ với dây thần kinh kiểm soát các cơ bắp và phản xạ của bạn. Thế nên, nếu bạn thiếu vitamin E thì nó sẽ dẫn tới tình trạng phản xạ chậm chạp, kém hơn hẳn so với những người bình thường.

Bạn có thể bổ sung vitamin E bằng cách ăn nhiều mầm lúa mì, trứng, mayonnaise, thịt nội tạng, các loại hạt và bơ.

Vết thương lâu lành: thiếu vitamin C

Nếu bạn nhận thấy rằng phải mất một thời gian dài hơn bình thường để các vết thương trên cơ thể bạn lành lại thì rất có thể cơ thể bạn đang thiếu hụt vitamin C. Bởi vì các tế bào da và các tế bào khác khi bắt đầu quá trình chữa lành sau chấn thương cần có đủ vitamin C (cùng với vitamin A và kẽm). Nếu không có những chất dinh dưỡng đó, vết thương của bạn sẽ trở nên lâu lành hơn, thậm chí còn gặp một số vấn đề về nhiễm trùng.


Để có được lượng vitamin C cần thiết, trong chế độ ăn uống bạn nên bổ sung các loại trái cây họ cam quýt (như chanh và bưởi), các loại rau xanh (như rau bina, rau arugula và cải xoăn) cho bữa ăn của mình.

Trầm cảm, chán nản: thiếu vitamin B1

Đôi khi việc thiếu vitamin không chỉ biểu hiện ra cơ thể bạn, mà nó còn tác động cụ thể lên tâm lý của bạn nữa. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán chường, mọi thứ rệu rã… thì rất có thể bạn đang thiếu hụt vitamin B1.

Giống như B12, vitamin này là cần thiết cho sức khỏe của các tế bào thần kinh và não của bạn: nếu bạn không có đủ B1 trong cơ thể, các tế bào này không hoạt động tốt và dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm. Mặc dù việc thiếu vitamin B1 là khá hiếm, nhưng nó sẽ phổ biến hơn ở những người nghiện rượu, sức khỏe yếu và chán ăn.


Để bổ sung vitamin B1, bạn có thể ăn các loại thịt đỏ và trắng, thịt nội tạng (như gan), đậu Hà Lan, đậu lăng, mầm lúa mì…

Bị hôi miệng: thiếu vitamin B3

Mặc dù bạn vẫn đảm bảo vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ và cẩn thận, nhưng chứng hôi miệng vẫn bám riết lấy bạn làm bạn phát phiền lên được! Đừng quá lo lắng, vì đây có thể là dấu hiệu nhận biết bạn cần bổ sung gấp vitamin B3 đấy.

Khi cơ thể thiếu B3 sẽ ảnh hưởng tới chức năng gan kém, tiếp theo là sự hoạt động không tốt của dạ dày và ruột, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và là nguyên nhân gây ra hôi miệng. Để tăng cường vitamin B3, hãy bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn các loại thịt, cá béo, hạt hướng dương và củ cải đường.

PV
Theo Gia đình&Xã hội //