Mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, được hưởng lợi gì?

19-05-2020 11:23:18

Gần đây nhu cầu mua bảo hiểm xe máy đang tăng cao nhằm trang bị đầy đủ giấy tờ khi tham gia giao thông. Nhiều người thắc mắc mua bảo hiểm này chủ xe được hưởng lợi gì?.


Mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, được hưởng lợi gì?. Ảnh minh họa

Bắt đầu từ sáng ngày 15/5 lực lượng CSGT trên cả nước đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra các phương tiện lưu thông. Theo đó CSGT có quyền dừng xe để kiểm tra mà không cần có dấu hiệu vi phạm. 

Dự kiến thời gian thực hiện đợt tổng kiểm soát giao thông đường bộ này sẽ kéo dài từ ngày 15/5 đến 14/6/2020 nhằm mục đích lập lại trật tự, kỷ cương, chấp hành Luật Giao thông đường bộ và nâng ý thức chấp hành Nghị định 100.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều kiện của người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Ngoài ra một giấy tờ bắt buộc khác là Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân.

Chính vì vậy, nhiều người có tâm lý lo sợ bị phạt trong đợt tổng kiểm tra phương tiện này nên từ khi CSGT bắt đầu ra quân thực hiện tổng kiểm tra các phương tiện giao thông thì người người, nhà nhà đổ xô đi mua bảo Biểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (chủ yếu là xe máy). Chính điều này đã làm cho nhu cầu mua bảo hiểm xe máy tăng đột biến trong mấy ngày gần đây.

Trong đợt ra quân này, CSGT sẽ kiểm tra đủ 4 loại giấy tờ đối với người đi xe máy, gồm: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy tờ tuỳ thân.

Đối với tài xế ô tô, CSGT sẽ kiểm tra 5 loại giấy tờ, gồm: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, giấy tờ tùy thân, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Đợt tổng kiểm tra phương tiện của lực lượng CSGT trên toàn quốc khiến nhu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy tăng cao, do đây là 1 trong 4 loại giấy tờ người dân bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông.

Dù nhiều người đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, nhưng có không ít ý kiến thắc mắc và chưa phân biệt được giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự phương tiện cơ giới và các loại bảo hiểm tự nguyện khác.

Khác với các loại bảo hiểm khác thường có tính chất tự nguyện, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với các phương tiện cơ giới là một loại bảo hiểm bắt buộc khi muốn lưu thông. Điều này được quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC (ngày 16/02/2016) của Bộ Tài chính.

Tên đầy đủ của bảo hiểm này là Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Toàn bộ chủ xe cơ giới (kể cả cá nhân, tổ chức nước ngoài) tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam.

Đây cũng là loại giấy tờ cần thiết mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông tại Việt Nam và đã được đưa vào thành các chế tài xử phạt.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ đền bù cho ai?

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới đối với bên thứ ba là loại hình bảo hiểm mà tất cả các cá nhân tổ chức (bao gồm người nước ngoài) sở hữu xe cơ giới tại Việt Nam đều phải tham gia theo quy định của nhà nước. 

Bảo hiểm này có tác dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba trong trường hợp nếu chẳng may chủ xe, lái xe gây thiệt hại cho họ. Điều này có nghĩa là bảo hiểm này sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe cơ giới, nhưng khi người sử dụng xe gây tai nạn cho người khác thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho người bị tai nạn.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, bồi dưỡng, chăm sóc người bị hại trước khi chết, mai táng phí hợp lý... theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn. Còn đối với các loại xe ô tô, đầu kéo,… là 100 triệu đồng/vụ tai nạn. Ngoài ra, bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại thực tế theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới, với mức chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan tới vụ tai nạn mà chủ xe cơ giới đã chi ra.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //