Một công ty gửi đơn đòi Việt Á trả lại tiền chênh mua kit test Covid-19
Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) đã có đơn gửi Bộ Công an và Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị Công ty Việt Á hoàn trả số tiền chênh lệch.
Sáng 21/12, liên quan đến việc mua kit test Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) cho Tuổi trẻ Online biết, đơn vị đã có đơn gửi Bộ Công an và Công an tỉnh Sóc Trăng để báo cáo tình hình giao dịch với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Theo ông Phục, từ ngày 30/7 đến 11/10/2021, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam 4 lần mua hóa chất phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR của Công ty Việt Á. Cụ thể, công ty đã mua 5.200 kit test với số tiền trên 2,1 tỉ đồng, trong đó có 480 kit khuyến mãi. Nhằm chia sẻ khó khăn với tỉnh Sóc Trăng, công ty đã tặng CDC tỉnh Sóc Trăng 2.112 kit, còn lại công ty sử dụng.
Thời điểm công ty mua kit xét nghiệm, dịch bệnh đang rất căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, trong khi thời gian lại cấp bách nên công ty đã chọn mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Phía Việt Á có xuất hóa đơn GTGT theo quy định và công ty của ông đã hoàn tất thanh toán.
Ông Phục cũng cho biết thêm, lúc mua kit test này, công ty có trả giá nhưng phía Công ty Việt Á trả lời giá này do Bộ Y tế quy định nên không thể giảm. Khi ấy, ông cảm thấy rất yên tâm nhưng không ngờ bây giờ lại phát hiện mua kit test với giá cao. Nhất là khi hiện tại công ty của ông rất khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động dịch Covid-19.
"Thời điểm ấy, tôi rất an tâm khi nghe nói như vậy, ai dè không ngờ hôm nay mới biết mình mua với giá khá cao… Chi phí test nhanh cho cán bộ, công nhân mỗi tháng gần 1 tỉ đồng. Mua đúng giá không sao, đằng này họ phóng giá trên trời trong lúc mọi người khó khăn, cần xử lý nghiêm", ông Phục nói.
Về việc có người hoặc có cơ quan nào giới thiệu mua kit test của Công ty Việt Á hay không, ông Phục khẳng định nhân viên công ty của ông tự liên hệ với Công ty Việt Á. Theo ông Phục, trước đó nhân viên công ty của ông có giao dịch với Việt Á nên có quen biết. Ông đã dặn kỹ nhân viên của mình không được nhận chiết khấu. Trên hợp đồng đã ký, Việt Á có chiết khấu cho công ty 10% thông qua hình thức khuyến mãi 480 kit xét nghiệm.
Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng đề nghị sau khi có kết luận điều tra, cơ quan có thẩm quyền cần buộc Công ty Việt Á phải hoàn trả số tiền chênh lệch mà công ty của ông đã mua.
Ảnh minh họa
Trước đó, như báo chí đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương.
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Nguồn tin từ Tuổi trẻ Online cũng cho biết thêm, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương, gồm: Hà Nội TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An và triệu tập ghi lời khai trên 30 người liên quan.