Mê Linh, Hà Nội: Doanh nghiệp về khảo sát, người dân như 'ngồi trên lửa' vì lo mất đất
UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) đã đồng ý để Công ty Cổ phần Five Star GFS nghiên cứu lập dự án tại xã Thạch Đà. Nếu dự án được triển khai, 79 ha đất nông nghiệp của xã này sẽ được thu hồi cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp về khảo sát, người dân như 'ngồi trên lửa' vì lo mất đất. Ảnh Thanh Ngọc
Hàng chục hộ dân đang thuê đất canh tác ổn định trên diện tích hàng chục ha tại bãi bồi sông Hồng thuộc xã Cự Đà, huyện Mê Linh đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Cách đây 5 năm, các hộ dân này ký hợp đồng với UBND xã Thạch Đà về việc "thuê đất bãi ngoài sông Hồng để sản xuất nông nghiệp". Tuy nhiên, đến ngày 22/4, hợp đồng đã hết hạn và rất có thể người dân sẽ không được thuê nữa vì một doanh nghiệp đã về khảo sát toàn bộ diện tích đất này và được chính quyền địa phương đồng ý.
Theo hồ sơ PV Đời sống Plus có được, ngày 2/1/2018 Công Công ty Cổ phần Five Star GFS (sau đây gọi tắt là Công ty GFS) đã có văn bản gửi UBND huyện Mê Linh đề nghị được đầu tư dự án trồng cây nông nghiệp hữu cơ công nghệ tại xã Thạch Đà.
Sau khi xem xét, UBND huyện Mê Linh nhận xét: Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt theo mô hình khép kín tại bãi nổi sông Hồng, thuộc xã Thạch Đà là phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Hà Nội. Từ đó, huyện Mê Linh đồng ý về chủ trương để Công ty GFS nghiên cứu lập đề xuất dự án.
Hợp đồng kinh tế được ky kết giữa người dân và UBND xã Thạch Đà 5 năm trước.
Ngày 1/3, UBND huyện Mê Linh tiếp tục có công văn gửi UBND xã Thạch Đà, các phòng ban liên quan về việc phối hợp với Công ty GFS trong công tác lập đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt theo mô hình khép kín tại xã Thạch Đà.
Mặc dù Công ty GFS mới vào khảo sát nhưng điều đó cũng đã làm cho các hộ dân thuê đất lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.
Theo một số hộ dân, hợp đồng ký với UBND xã Thạch Đà có thời hạn 5 năm và đến ngày 22/4 này sẽ hết hạn. 5 năm qua, người dân chủ yếu tập trung cải tạo, đầu tư, đến thời điểm này mới mắt đầu canh tác ổn định lại đứng trước nguy cơ không được ký tiếp.
Nguyện vọng của người dân là tiếp tục được đấu thầu để ổn định sản xuất, làm ăn. Nếu không, họ sẽ không biết "nhìn vào đâu" trong thời gian tới đây.
Thông báo về việc thanh lý, chấm dứt hợp đồng của UBND xã Thạch Đà khiến người dân hoang mang
Trao đổi với PV, ông Phùng Quang Thọ, Chủ tịch UBND xã Thạch Đà, cho biết: "Đúng là có việc Công ty GFS đang về địa phương khảo sát, nghiên cứu để làm dự án. Tuy nhiên, họ cũng chỉ mới vào để khảo sát chứ có gì đâu…".
Liên quan đến việc diện tích Công ty GFS đang khảo sát có hàng chục hộ dân đang ký hợp đồng thuê đất từ UBND xã để sản xuất nông nghiệp, ông Thọ nói: "Có khoảng chục hộ dân đang thuê, thời gian hết hợp đồng là 22/4. Trước khi sắp hết hợp đồng, chúng tôi thông báo cho các hộ để lên xã thanh lý.
Hiện đã có một hộ lên làm thủ tục. Các hộ dân nếu muốn ký tiếp phải có đề xuất, có ý kiến, phải lập dự án. Mà trước đây, việc các hộ dân ký hợp đồng thuê đất với UBND xã là sai. Về nguyên tắc, họ phải ký với UBND huyện. Do đó, sắp tới hết hợp đồng người dân nếu ký sẽ ký với UBND huyện Mê Linh. Đất là đất của huyện quản lý, xã không quản lý".
Trước thông tin cho rằng, diện tích đất Công ty GFS đề xuất được thuê nằm trên hành lang thoát lũ, không được phép triển khai dự án xây dựng các công trình kiên cố hoặc các công trình xây dựng khác làm ảnh hưởng đến kết cấu đê điều..., ông Thọ nói: "Nằm trong hành lang thoát lũ không trồng trọt thì bỏ hoang à? Người ta làm thì chỉ làm các nhà tạm, có làm nhà kiên cố đâu mà ảnh hưởng".
Về tiến độ khảo sát để lập dự án của Công ty GFS, ông Thọ cho biết đơn vị này mới lập được bản đồ hiện trạng.
Hiện tại phía Công ty GFS chưa cho biết, kết quả và thời gian để kết thúc khảo sát và nghiên cứu dự án. Phía UBND huyện Mê Linh không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho doanh nghiệp, trong khi đó cũng không có động thái cụ thể nào để an dân dù các hộ dân đang như ngồi trên lửa.
Đời sống Plus tiếp tục thông tin
Xem thêm: Đại úy công an - chủ 'biệt phủ' 5000 m2 không phép lên tiếng được "anh em tạo điều kiện"