Mẹ hiếm muộn 4 năm vì tắc vòi trứng thành công đón con yêu nhờ công thức ngũ cốc nội tiết cực dễ làm
Sau một thời gian mày mò tìm hiểu công thức làm ngũ cốc nội tiết, chị Loan đã thành công đón con yêu sau 4 năm dài vất vả.
Chị Loan đã thành công đón 2 thiên thần xinh xắn.
Chia sẻ với PV Đời sống Plus, chị Kiều Thị Loan (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, chị từng phát hiện mình bị tắc vòi trứng, AMH thấp, kinh nguyệt thâm đen, vón cục, đau bụng dữ dội khi “đến tháng”... Không chỉ vậy, nội tiết kém còn khiến chị thường xuyên bị nổi mụn.
Biết mình khó có khả năng mang thai tự nhiên, trong khi bản thân không còn trẻ, chị Loan quyết định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Mặc dù vậy, chị phải đối mặt với một thử thách rất lớn. Đó là tỷ lệ thành công của IVF chỉ dao động từ 30-40%.
Hai bé Tú Linh (trái) và Linh Đan (phải) là kết quả của hành trình tìm con vất vả của gia đình chị Kiều Thị Loan.
Năm 2012, chị Loan làm IVF tại Bệnh viện Quân y 103. Niềm vui làm mẹ chẳng kéo dài được bao lâu thì chị bị chẩn đoán mang thai ngoài dạ con phải phẫu thuật.
Vượt lên nỗi đau mất con, sau một thời gian nghỉ ngơi lấy sức, chị Loan lại sang BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám. Tại đây, bác sỹ cho biết, chị ít trứng, dự trữ kém và nếu không có biện pháp cải thiện, khả năng mang thai của chị Loan sẽ ngày một mong manh.
Lúc này, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, chị Loan đã tự tìm tòi, nghiên cứu và lựa chọn những thực phẩm hữu ích để đảm bảo sức khỏe cải thiện nội tiết tố cũng như tình trạng trứng của mình.
Thay vì dùng thuốc trị ho, chị Loan ăn lê hấp mật ong để không ảnh hưởng tới chất lượng trứng.
Đầu tiên, chị tự làm sữa đậu nành để uống. Hầu hết bữa nào chị cũng ăn tràng lợn, nói không với các chất kích thích, ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Đặc biệt, ngày nào chị Loan cũng vệ sinh răng miệng bằng nước muối pha loãng. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu không khỏe, chị tìm lá xông để tắm, ăn lê hấp mật ong, uống nước lá tía tô đặc để điều trị.
Kết quả là chị chọc được 8 quả trứng và làm IVF được 7 phôi. Lần này, các bác sỹ chia làm 2 đợt để chuyển phôi cho chị. Bé Linh Đan ra đời sau đó khiến gia đình chị ngập tràn hạnh phúc.
Sau khi bé Linh Đan được 2 tuổi, chị Loan lại tiếp tục chuyển phôi. Tuy nhiên, do bị dị ứng thuốc nên lần IVF này bị thất bại. Thời điểm này, chị lại tìm tòi, nghiên cứu cách làm ngũ cốc nội tiết tại nhà, uống ngày 2 – 3 lần và thấy có cải thiện đáng kể về sức khỏe, nội tiết và chất lượng trứng.
Các loại hạt làm ngũ cốc nội tiết được chị Loan chia sẻ trên mạng xã hội
“Lúc đầu siêu âm có 6 quả trứng tôi rất lo. Tôi thậm chí còn nghĩ đến trường hợp xấu nhất là sau khi chuyển phôi trữ không được khéo phải làm đơn xin trứng mất. Nhưng không ngờ lần này lại tuyệt vời ngoài sức mong đợi. Thậm chí bác sỹ điều trị còn ngạc nhiên vì lần này chất lượng trứng của tôi lại tốt đến vậy”- chị Loan nhớ lại.
Lần chuyển phôi này, chị Loan thành công đón thêm một thiên thần đáng yêu nữa là bé Tú Linh. Hiện, chị còn 5 phôi đang gửi ở bệnh viện. Sang năm 2019, khi có điều kiện, chị Loan sẽ tiếp tục làm IVF.
Sau khi chia sẻ về công thức làm ngũ cốc nội tiết của bản thân lên các hội nhóm hiếm muộn, các bài viết của chị Loan đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Thậm chí, có không ít người đã làm theo công thức của chị Loan và thành công trên hành trình đón con yêu.
Nhiều người hiếm muộn báo tin vui sau khi áp dụng ngũ theo công thức ngũ cốc nội tiết mà chị Loan chia sẻ.
Công thức làm ngũ cốc nội tiết mà chị Loan đã nghiên cứu và áp dụng:
Ngũ cốc cho vợ
Thành phần: gồm 18 loại hạt là đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ loại nhỏ, đậu đỏ loại to, y dĩ, đậu ngự, đậu đen, đậu trắng to, đậu trắng nhỏ, nếp cẩm, gạo lứt, vừng đen, vừng trắng, hạt sen, yến mạch, ngô, hạt chia, óc chó.
Tỷ lệ: Các loại hạt trên chia theo tỷ lệ 1:1. Ngoài ra, muốn ngũ cốc có độ ngon và bùi béo thì hạt điều, óc chó có thể cho tỷ lệ cao hơn khoảng 3 lần so với các loại hạt khác. Đối với trường hợp dị ứng loại hạt nào có thể bỏ hạt đó đi.
Với những người đang dùng thuốc Nam hoặc thuốc Bắc thì phải bỏ vỏ ngoài đậu xanh kẻo làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Ngũ cốc cho chồng
Thành phần: gồm 15 loại hạt là đậu xanh, đậu đỏ loại nhỏ, đậu đỏ loại to, đậu ngự, đậu đen, nếp cẩm, gạo lứt, vừng đen, vừng trắng, hạt sen, yến mạch, hạt chia, hạnh nhân, hạt điều, óc chó.
Tỷ lệ:
- Các loại hạt: Đậu xanh, đậu ngự, đậu đen, nếp cẩm, gạo lứt, vừng trắng, hạt sen, yến mạch chia theo tỷ lệ 1:1
- Các loại hạt: Đậu đỏ loại nhỏ, đậu đỏ loại to, hạt chia, hạt điều, vừng đen, óc chó chia theo tỷ lệ 2:1
- Hạt hạnh nhân chia theo tỷ lệ 3:1 hoặc 4:1
Trong quá trình ăn ngũ cốc thì nên kiêng bia, rượu, đồ cay nóng, thuốc lá…
Cách làm:
- Khi chọn mua nguyên liệu cần đảm bảo sạch, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; loại bỏ những hạt lép, hạt hỏng.
- Rửa sạch những nguyên liệu trên (trừ hạt chia, yến mạch, hạnh nhân). Sau đó đem phơi khoảng 2 – 3 nắng rồi đem rang.
- Khi rang lưu ý để lửa nhỏ cho hạt chín đều. Cắn thấy các hạt không tanh là được.
- Sau khi rang xong tất cả các hạt, bạn đem trộn đều chúng vào nhau rồi nghiền. Với một số hạt có nhiều tinh dầu khi xay cần lưu ý không bỏ nhiều trong một lượt xay kẻo hỏng máy xay.
Trao đổi với PV Đời sống Plus, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, chế độ ăn uống an toàn và hợp lý đóng vai trò quan trọng, quyết định lớn đến khả năng sinh sản của con người, kể cả nam và nữ. Trong đó, mỗi loại ngũ cốc kể trên đều chứa nhiều vitamin E, B1, B2, B3, B6, vitamin C, tiền vitamin K và các khoáng tố gồm Ca, Mga, K, Na, Zn, sắt, đặc biệt là vitamin nhóm B và axit folic… Với phụ nữ chuẩn bị mang thai, axit folic và sắt trong ngũ cốc sẽ giúp lấy lại cân bằng nội tiết, làm niêm mạc tử cung dày hơn, điều hòa kinh nguyệt, kích thích trứng phát triển và tiết nhầy. Với cánh mày râu, việc sử dụng kết hợp các loại ngũ cốc thường xuyên có tác dụng bổ sung thêm testorterone, tạo tinh trùng, làm mật độ tinh trùng nhiều hơn. Tuy nhiên, Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết, trước khi dùng ngũ cốc nội tiết, những người hiếm muộn cần tham khảo ý kiến của bác sỹ điều trị. Đặc biệt là chỉ nên dùng những loại ngũ cốc sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh những loại thực phẩm tồn dư nhiều chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật… vì ảnh hưởng không tốt với sức khỏe. |