Mẹ cùng con nhỏ 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ tự tử do trầm cảm sau sinh
Sau khi sinh con được 3 tháng, chị D. có nhiều dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người. Trong lúc gia đình không chú ý, chị D. đã cùng con nhỏ 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ, diệt nấm.
Ngày 11/8, thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, các bác sĩ đơn vị này mới đây đã tiếp nhận trường hợp sản phụ cùng con nhỏ 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ tự tử. Bệnh nhân là chị T.T.D (27 tuổi, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) và bệnh nhi T.T.N ( 3 tháng tuổi).
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, sau khi sinh con được 3 tháng, chị D. có nhiều dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người. Trong lúc gia đình không chú ý, chị D. đã cùng con nhỏ 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ, diệt nấm.
Thời điểm được người nhà đưa vào Bệnh viện Bắc Quang, mẹ con chị D. trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, hơi thở nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ.
Hiện tại sức khỏe mẹ con chị D. đã ổn định. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh nhân và bệnh nhi rất nặng, tiên lượng xấu nếu không xử trí kịp thời, ê kip trực đã nhanh chóng xử trí hồi sức tích cực cả mẹ và em bé, rửa dạ dày cấp cứu... Sau 1h xử trí tích cực, các chỉ số sống của 2 mẹ con đã dần ổn định, qua cơn nguy kịch. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân và bệnh nhi đã ổn định.
Được biết, trong thời gian vừa qua, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc liên tục tiếp nhận bệnh nhân tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Không ít trong số đó là các trường hợp trầm cảm sau sinh, rất may các trường hợp đều đến sớm và được cứu chữa kịp thời.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản ước đoán, tỉ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6% - 33%. Trầm cảm sau sinh là vấn đề không thể xem nhẹ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Giáo dục kiến thức, tư vấn, giải thích cho bà mẹ mang thai và sau sinh những vấn đề cơ bản về trẻ sơ sinh, cách chăm sóc trẻ là bước dự phòng hiệu quả.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, nhu cầu được hỗ trợ, được giúp đỡ và được quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao. Trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trao đổi với Báo VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, giai đoạn sớm, phụ nữ trầm cảm sau sinh có khí sắc giảm, cảm xúc thay đổi, buồn rầu, dễ cáu, dễ khóc…; Giảm sở thích hứng thú, giảm các mối quan hệ gia đình; Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống; Giảm tập trung chú ý, trí nhớ; Các triệu chứng cơ thể: đau đầu, đau bụng, ngực... Ở giai đoạn toàn phát, bà mẹ có khí sắc trầm tăng hơn; Mất quan tâm thích thú, bi quan chán nản; Buồn bã, mặc cảm, tự ti, tội lỗi, đau khổ...; Khó khăn trong việc ra quyết định, không muốn giao tiếp với mọi người; Khó khăn trong việc chăm sóc con, tạo mối quan hệ mẹ - con, xa lánh người thân...; Lo lắng quá mức tới sức khỏe của con. Sản phụ cũng gặp các triệu chứng cơ thể, rối loạn thần kinh thực vật hoặc rối loạn hành vi: bồn chồn, bất an, ý tưởng hành vi tự sát. |