Mẹ bỉm sữa đừng tiếc 2 phút học cách chọn kem chống nắng cho con
Nghi vấn bé trai 3 tuổi ở Anh bị dị ứng kem chống nắng khiến toàn thân bong tróc da, phồng rộp khiến nhiều bà mẹ đặt vấn đề liệu có nên bôi kem chống nắng cho bé?
Có nên bôi kem chống nắng cho bé?
Mới đây, dư luận nước Anh được phen xôn xao trước sự việc một bé trai 3 tuổi bị phồng rộp toàn thân, làn da bong tróc và mưng mủ nghi do dị ứng kem chống nắng. Liên quan đến vụ việc, cha mẹ cậu bé tiết lộ trước đó đã cho con bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 50 cách 10 phút/lần.
Làn da của bé trai 3 tuổi ở Anh bỏng rộp sau khi ra ngoài nắng và bôi kem chống nắng SPF 50. Ảnh Daily Mail
Sự việc đã làm dấy lên câu hỏi “có nên bôi kem chống nắng cho bé” trong cộng đồng những người làm cha làm mẹ. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế cho biết làn da trẻ rất mỏng, chỉ dày bằng khoảng 1/5 làn da người lớn và các sắc tố da còn chưa phát triển hoàn thiện.
Do đó, nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp, trẻ dễ bị cháy nắng, sạm đen hoặc thậm chí là phát ban, dị ứng, bỏng nắng. Do đó cách tốt nhất để bảo vệ bé khỏi ánh nắng mặt trời là giữ bé trong bóng râm, đội mũ, mặc quần áo dài tay cho trẻ.
Trường hợp bất khả kháng vẫn có thể cho bé sử dụng một lượng nhỏ kem chống nắng, bất kể bé được bao nhiêu tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ cần biết cách đọc thông tin trên bao bì kem chống nắng để chọn được loại tốt và an toàn nhất cho trẻ.
Cách chọn kem chống nắng cho trẻ em
Chia sẻ trên Baby Center - trang thông tin hàng đầu về thai nghén và kinh nghiệm làm cha mẹ của Mỹ, bác sĩ da liễu nhi khoa Patricia Treadwell khuyến cáo kem chống nắng cho bé phải là loại có mác “chemical-free” (không hóa chất) hoặc “physical” (tự nhiên) được làm từ titanium dioxide (TiO2) và oxide kẽm (ZnO).
Mẹ bỉm sữa nên chọn cho con loại kem chống nắng không chứa hóa chất. Ảnh Internet
Theo bác sĩ Treadwell, 2 chất này sẽ tạo nên một lớp màng bảo vệ da của trẻ khỏi tác nhân gây hại từ ánh sáng mặt trời ngay từ khi mới bắt đầu thoa lên da. Trái lại, những loại kem chống nắng hóa chất cần đến 15 – 30 phút mới đủ để ngấm vào da và bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, chính những sản phẩm hóa chất như vậy có thể khiến trẻ bị dị ứng kem chống nắng do da “ngấm” các thành phần hoạt tính. Một cách chọn kem chống nắng cho bé là mẹ hãy thử thoa một lượng kem nhỏ vào mặt trong bắp tay của trẻ. Nếu trong vòng 1 ngày, vùng da này của bé bị nổi mẩn đỏ, mẹ cần thay ngay kem chống nắng khác cho con.
Ngoài ra, khi mua kem chống nắng cho bé, mẹ cũng cần quan tâm tới cụm từ “broad-spectrum” (phổ rộng), nghĩa là có khả năng chống cả tia UVB và UVA. Nhìn chung, tất cả các loại kem chống nắng cho trẻ em có chứa titanium dioxide và oxide kẽm đều có khả năng này.
Để tránh trẻ bị dị ứng kem chống nắng, nên chọn sản phẩm có độ SPF vừa phải. Ảnh Internet
Đặc biệt, mẹ chỉ nên chọn kem chống nắng cho trẻ em có chỉ số bảo vệ SPF từ 15 – 30 để tránh con yêu bị dị ứng như trường hợp của cậu bé 3 tuổi ở Anh nói trên. Bên cạnh đó, mức độ bảo vệ của kem chống nắng SPF trên 30 không tăng nhiều song lại chứa nhiều hóa chất hơn hẳn.