Mẹ bị lừa bán, bố đi làm thuê xa, bé trai tự chăm 2 em trong túp lều giữa đồng vắng
Mẹ sang Trung Quốc làm việc không thấy trở về, người bố cũng phải đi tha phương cầu thực ít khi về thăm nhà, 3 đứa trẻ lít nhít nương tựa vào nhau trong căn lều tạm bợ ngay giữa cánh đồng mía.
Gà trống nuôi con
Đó là hoàn cảnh thương tâm của 3 em Sa Mạnh Hùng (13 tuổi), Sa Thị Dung (11 tuổi) và Sa Thị Linh (10 tuổi) cùng trú tại xóm Gò Bùi, xã Đú Sáng (huyện Kim Bôi, Hòa Bình).
Chỉ tay về về phía căn lều tạm bợ quây bạt nằm lẻ loi giữa cánh đồng mía đã thu hoạch, một người dân chua chát kể: “3 anh em gần 2 năm trời nay cứ bấu víu vào nhau sống trong căn lều đó. Xót xa lắm!”
Anh Sa Phương Lực (39 tuổi, bố của 3 em) kể, nhiều năm về trước, anh có tình cảm rồi nên duyên với chị Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi), một cô gái nghèo quê ở cùng huyện Đà Bắc (Hòa Bình).
Sau khi nên duyên vợ chồng, anh Lực cùng vợ tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở mảnh đất cằn cỗi và xa trung tâm văn hóa này, vợ chồng anh chị làm đủ mọi nghề, nuôi trồng đủ thứ nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
“Nghèo còn mắc cái eo” liên tiếp trong 4 năm anh chị lần lượt sinh hạ 3 người con (1 trai, 2 gái). “Chỗ vợ chồng tôi ở trước kia chỉ có vài hộ gia đình, xa xôi, thiếu thốn đủ thứ. Thương các con nên tôi bàn với vợ chuyển các cháu về thôn Kim Bắc 5, xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) để sinh sống”, anh Lực nhớ lại.
Dẫu vậy, cuộc sống ở nơi ở mới cũng chẳng thuận lợi gì, không có đất canh tác, 2 vợ chồng cùng 3 người con nhỏ kiếm miếng ăn qua ngày bằng nghề làm thuê, cuốc mướn.
Vướng con nhỏ nên chị Nhung chẳng thể làm lụng được việc gì, gánh nặng gia đình với 5 miệng ăn dồn cả lên đôi vai anh Lực. Hàng ngày, anh vẫn đều đặn đi làm mía thuê, kiếm củi bán, nói chung cứ ai có việc gì anh đều nhận làm.
Chăm chỉ là thế nhưng cái nghèo khó vẫn cứ bám riết lấy anh. Cả tuổi thơ của 3 đứa con nhỏ gắn liền với những bữa cơm cách nhật. “Gần 9 năm trước, có chị bạn đến chơi rồi bảo vợ tôi có muốn sang Trung Quốc làm việc không thì chị ấy xin cho.
Ban đầu tôi cũng không đồng ý để vợ đi nhưng cô ấy cứ nhất quyết đòi đi nên tôi cũng không biết làm thế nào”, anh Lực kể.
Thời đó, phương tiện thông tin liên lạc còn hạn chế, từng ấy năm xa nhà là bấy nhiêu thời gian anh Lực cùng các con mòn mỏi đợi chờ tin tức của vợ nhưng đều vô vọng.
“Lúc cô ấy ra đi, cháu bé út mới được vài tháng. Nhiều đêm cháu khát sữa khóc thét lên. Tôi cũng chỉ biết vớt tý gạo còn sót lại cho vào nấu loãng khuấy tý nước cho cháu uống”, anh Lực nhớ lại.
3 đứa con vẫn còn thơ dại, để các con ở nhà một mình không yên tâm nên anh Lực đưa luôn các con đến chỗ làm để tiện chăm sóc. Gần chục năm trước một số người dân hiện vẫn còn đang sinh sống ở thôn Kim Bắc 5 vẫn không thể nào quên được hình dáng người đàn ông gầy còm, ốm yếu lưng vừa địu con vừa nhổ cỏ mía thuê.
Tuổi thơ của 3 cháu Hùng, Dung, Linh bên cạnh những bữa cơm cách nhật còn có những ngày lang thang theo bố vào rừng kiếm củi và đi làm thuê.
“Người ta thấy hoàn cảnh tôi như vậy nên nhiều khi cũng ngại không muốn thuê. Có việc làm còn đỡ chứ hôm nào người ta không thuê là y như rằng hôm đấy 4 bố con ôm nhau cho qua cơn đói”, anh Lực kể.
Năm 2016, anh Lực được một người bạn giới thiệu cho anh đi làm công việc phá dỡ nhà ở Hà Nội. Mong muốn kiếm chút tiền để trang trải cuộc sống và cho các con được đến trường, anh lại dắt 3 đưa con vẫn còn nhỏ về xóm Gò Bùi gửi gắm người mẹ già và người em trai để đi làm ăn.
Một mình trông hai em giữa cánh đồng hoang vắng
Mẹ anh Lực sống cách túp lều nơi các con anh đang sinh sống chừng vài trăm mét. Tuy nhiên, gia cảnh cũng chẳng khá giả gì, nhà lại đông người nên bà đã bàn với anh dựng một túp lều tạm ở khu vực cánh đồng mía của người em để cho các cháu sinh sống, hàng ngày mẹ anh sẽ qua lại để trông nom các cháu.
“Nghe mẹ tôi nói thế cũng hợp lý nên tôi đã xin phép xã và cất một túp lều tạm ở vườn mía để cho các cháu sinh sống. Cũng kể từ đó mà 3 cháu nhà tôi ở trong túp lều đó đến tận bây giờ. Tôi xin manh nứa lợp lại rồi lấy bạt quây cho đỡ gió cho các cháu ở đó”, anh Lực cho biết.
Hàng ngày, để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, cháu Hùng đều được bà nội dẫn đi kiếm củi về mang ra chợ bán. Đầu năm 2017, trong lúc đi bẻ ngô thuê, mẹ anh Lực bị ngã gãy tay, sức khỏe yếu dần đi.
Cũng kể từ đó, việc chăm sóc, trông coi các cháu bà không còn sát sao được như trước nữa. Cháu Hùng phải thay bà tự nấu cơm nước và chăm sóc 2 người em. “Tôi làm công việc phá dỡ nhà nên công việc cũng không có đều, lại không về nhà thường xuyên được.
Tiền công tôi đều dành dụm gửi về cho mẹ để nhờ chăm sóc hộ các cháu. Lâu lâu mới về nhà, thấy các con sống vất vả tôi đã toan đưa các cháu vào trại trẻ mồ côi nhưng lại không đành”, anh Lực tâm sự.
Tuổi thơ vất vả, lại thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình mình nên dù mới 13 tuổi nhưng cháu Hùng nhìn đã rất chững chạc và có thể làm được mọi việc để phụ bố chăm sóc 2 em.
Khi được hỏi về chuyện ăn uống hàng ngày của 3 anh em, Hùng tâm sự: “Anh em cháu hôm thì ăn cơm, hôm lại ăn mì tôm. Rau nếu các bác hàng xóm không cho thì cháu đi tìm ở ngoài bờ ruộng.
Đồ dùng sinh hoạt cho các em thì cháu ra quán mua, khi nào bố gửi tiền về cháu sẽ mang ra trả sau”.
Mong ước được cắp sách đến trường
Hàng ngày, nhìn 2 em và chúng bạn tung tăng cắp sách đến trường, cậu bé 13 tuổi lại ao ước một lần được viết lên những con chữ bằng chính đôi tay của mình. “Bình thường, nếu các bạn không đi học thì cháu còn có người chơi cùng.
Nhưng khi 2 em và các bạn đi học hết thì cháu chẳng có ai chơi cả. Cháu thích đi học lắm, cháu cũng mong được đến trường như các bạn”, Hùng hồn nhiên tâm sự.
Theo anh Lực, cuối năm 2017 vừa qua, nhờ sự giúp đỡ của các cấp, nghành, anh đã xin được cho cháu Dung và cháu Linh đi học tại trường Tiểu học Đú Sáng B. Bên cạnh việc nhận 2 cháu vào học, nhà trường cũng tặng gia đình anh 1 chiếc xe đạp để các con anh thuận tiện trong việc đến trường.
Riêng với cháu Hùng, anh Lực cho biết cũng đã có lời với ban giám hiệu nhà trường nhưng được cho hay do cháu đã quá lớn tuổi. Nếu học cùng sợ sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ mà các thầy cũng sợ cháu sẽ không theo được nên hiện tại Hùng vẫn chưa được đi học.
“Qua rằm này là tôi lại phải đi làm, không biết đến bao giờ mới về thăm các con được. Cuộc đời tôi bây giờ chỉ mong làm được căn nhà cho các con che mưa nắng, cho chúng được đi học cho bằng bạn bằng bè. Nếu được như thế thì tôi chẳng còn ân hận gì nữa”, anh Lực nghẹn ngào khi được hỏi về tâm nguyện của mình.
Hoàn cảnh của gia đình anh Lực cùng 3 người con (Sa Mạnh Hùng, Sa Thị Dung, Sa Thị Linh) hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Rất mong nhận được sự quan tâm ủng hộ của các mạnh thường quân.
Mọi sự đóng góp xin được gửi về theo địa chỉ.
Anh Sa Phương Lực, xóm Gò Bùi, xã Đú Sáng (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) hoặc liên hệ theo số điện thoại 01664.895.132 (anh Sa Phương Lực).