Mất con 7 tuổi vì bệnh cúm, gia đình gốc Việt kêu gọi tiêm phòng cho trẻ
Một gia đình gốc Việt sinh sống ở Mỹ mới đây đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy tiêm phòng bệnh cúm sau khi mất con gái 7 tuổi vì bệnh cúm. Nạn nhân là bé Selina Nguyễn sống thành phố Denver, thuộc bang Colorado (Mỹ)
Bé Selina Nguyen đã qua đời hôm 10/2 với các triệu chứng điển hình của cảm lạnh hoặc cúm thông thường
Theo chia sẻ của gia đình, bé Selina Nguyen bị ốm ngay trước Giáng sinh năm ngoái với các triệu chứng điển hình của cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Tuy nhiên, các triệu chứng của bé trở nên tồi tệ hơn trong vòng chưa đầy 48 giờ và bé đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Bé Nguyen bị hôn mê và ngừng hoạt động não. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bé vào tháng trước để giảm áp lực lên não. Tuy nhiên, những nỗ lực cứu chữa đa không mang lại kết quả. Gia đình bệnh nhân nhỏ tuổi này quyết định rút thiết bị duy trì sự sống vào hôm 10/2 do não của bé đã không hề có bất kỳ hoạt động nào kể từ khi nhập viện vào ngày 23/12/2018.
Thông tin từ Go Fund Me, trang web được lập để quyên tiền chữa trị cho bé Nguyen cho hay, gia đình bé Nguyen muốn truyền bá nhận thức tới các gia đình về việc tiêm vaccine cho con em mình sau khi mất con vì virus cúm H1N1. Bé Nguyen đã không được tiêm phòng trong năm nay.
Cúm H1N1 nguy hiểm thế nào?
Cách phòng bệnh cúm hiệu quả nhất là nên tiêm vắc xin ngừa cho trẻ
Cúm mùa (A/H1N1) là loại cúm thường gặp do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp do hít phải giọt bắn từ nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp lây do tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng có dính nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại, cốc, bát đũa…)
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn ... Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng.
Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh, có thể lên tới 40 – 41 độ C. Đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày điều trị thông thường.
Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: Sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do virus tấn công sâu vào phổi, suy đa phủ tạng và có thể gây tử vong.
Đặc biệt nguy cơ tử vong cao nhất trên các bệnh nhân tiền sử bệnh lý nền, các bệnh mãn tính gây suy giảm sức đề kháng như: Suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ...
Vì thế, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt cao và liên tục, tức ngực, khó thở dù đã dùng các thuốc cảm cúm thông thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Cách phòng cúm hiệu quả nhất
Theo PGS. TS Đào Xuân Cơ – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), cách phòng bệnh cúm hiệu quả nhất là nên tiêm vắc xin ngừa.
Khi bị bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, sau đó rửa sạch tay.
Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc cúm. Với thuốc kháng virus như Tamiflu, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.