Mất căn cước công dân gắn chip có bị lộ thông tin cá nhân?

21-09-2022 06:33:30

Căn cước công dân (CCCD) gắn chip là loại giấy tờ tùy thân quan trọng, chứa nhiều thông tin cá nhân. Vậy mất CCCD gắn chip có nguy hiểm không?


Căn cước công dân gắn chip là loại giấy tờ tùy thân quan trọng. Ảnh minh họa

Hiện nay, thẻ CCCD gắn chip lưu trữ nhiều thông tin cá nhân của công dân như: Họ tên; ngày tháng năm sinh, quê quán, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng, thông tin về Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Sổ hộ khẩu... các loại giấy tờ có giá trị giúp phòng tránh được việc giấy tờ bị giả mạo;

Đồng thời tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, các giao dịch với ngân hàng, nhà đất, bảo hiểm, xin học cho con... đơn giản, tiện lợi hơn mà không cần đem theo nhiều loại giấy tờ.

Do đó, nhiều người lo ngại nếu làm mất CCCD hoặc bị đánh cắp thẻ thì có thể gặp rủi ro, ảnh hưởng đến các quyền lợi cá nhân khi rơi vào tay kẻ xấu.

Theo Luật Việt Nam, các thông tin các nhân trên CCCD gắn chip chỉ có thể khai thác bằng đầu đọc chíp chuyên dụng để trích xuất thông tin ở các cơ quan chức năng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm khi lỡ đánh mất thẻ CCCD gắn chip vì người nhặt được cũng khó có thể đọc thông tin của người mất trên thẻ.

Bên cạnh đó, mã QR ở mặt trước thẻ CCCD cũng có thể quét được thông tin qua smartphone. Tuy nhiên, trên mã QR không chứa đựng quá nhiều thông tin cần “bảo mật” như trên chip.

Mất CCCD gắn chip làm lại như thế nào?

Theo Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA thì công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Công dân cũng có thể đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng cách đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.

Thủ tục cấp, đổi lại thẻ CCCD gắn chip:

Được thực hiện theo Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA

Bước 1: Đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi thường trú hoặc tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.

Bước 2 : Cán bộ Công an sẽ thu nhận thông tin như sau:

Tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh; in phiếu thu nhận thông tin, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên;

Thu lệ phí theo quy định

Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết

Bước 3 : Trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ

Căn cứ Điều 25, Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định:

Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;

Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;…

Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

 

Thủy Linh
Theo Giáo dục & Thời đại //