Mang thân phận tử tù oan hơn 40 năm, cụ ông 82 tuổi được bồi thường 6,7 tỷ đồng
Sau hơn 40 năm mang thân phận tử tù dù hung thủ đã ra đầu thú, cụ ông 82 ở Bắc Ninh được bồi thường 6,7 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thêm mang thân phận tử tù oan suốt hơn 40 năm. Ảnh: NLĐ
Ngày 19/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết cơ quan này vừa hoàn tất chi trả việc bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm (82 tuổi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) 6,7 tỉ đồng. Trước đó, gia đình cụ ông Trần Văn Thêm đã yêu cầu mức bồi thường là 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau thương lượng, mức bồi thường mới được đưa ra chỉ là 6,7 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), từ tháng 10/2017 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định số 759 về việc giải quyết bồi thường đối với cụ ông Trần Văn Thêm với tổng số tiền bồi thường trên 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó việc cấp kinh phí bồi thường gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
Trên cơ sở công văn đề nghị cấp kinh phí của TAND Tối cao, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc chi trả tiền bồi thường theo quy định cho ông Trần Văn Thêm. Sau đó, TAND Tối cao đã có công văn đề nghị cấp kinh phí, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc chi trả tiền bồi thường theo quy định cho ông Thêm.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 23/7/1970, khi đó ông Trần Văn Thêm (khi đó 34 tuổi) cùng người em họ Nguyên Khắc Văn đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.
Tối đến, cả hai ghé vào ngủ ở lều cắt tóc cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ). Nửa đêm, cả hai bị cướp tấn công. Lúc này, hai anh em chống cự, đánh lại khiến tên cướp lao xuống sông tẩu thoát.
Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn chết trên đường đi cấp cứu. Dù bị cướp đánh gây vết thương nặng trên đầu, ông Thêm vẫn bị cáo buộc giết em họ để cướp của.
Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (sau này tách ra thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) đưa ra xét xử và kết tội ông Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, ông Thêm kêu oan. Đến năm 1974, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình. Suốt quá trình bị bắt cũng như tại toà, ông Thêm liên tục kêu oan.
Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên tòa theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ Công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng rồi cho về quê mà không cấp cho bất kỳ giấy tờ nào khác. Về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm.
Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.
Đến năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do gia đình cụ Thêm cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định ông Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.
Tháng 8/2016, tại hội trường trung tâm ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), các cơ quan tố tụng Trung ương đã công bố quyết định đình chỉ bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm, kết thúc 43 năm oan sai. Trong thời điểm này, gia đình ông Thêm đã yêu cầu bồi thường 15 tỉ đồng, nhưng qua nhiều phiên thương lượng giảm còn 6,7 tỉ đồng.