Mách bạn một số món ăn dễ làm, đảm bảo phòng và chữa bệnh gút hiệu quả
Bệnh gút thường gặp ở nam giới, còn có tên là bệnh thống phong. Bệnh này có đặc điểm hay gặp ở người dư thừa dinh dưỡng nên còn gọi là bệnh của nhà giàu.
Hiện nay, do điều kiện cuộc sống được nâng cao, số bệnh nhân mắc gút cũng tăng rõ rệt.
Theo các tài liệu y học hiện đại, triệu chứng của bệnh gút biểu hiện rất điển hình là một cơn đau dữ dội, xuất hiện rất nhanh và đột ngột, có kèm theo sưng, nóng, đỏ và xung huyết ở khớp bị tổn thương. Người bệnh thường hay đau ở các khớp bàn, ngón chân cái, ngón 2 và ngón 3, có khi đau ở gót chân, khớp gối và khuỷu tay.
Cơn đau thường liên quan đến bữa ăn, sau khi ăn uống quá mức, đặc biệt là ăn thực phẩm nhiều đạm như thịt chó, thịt bò, trâu, ngựa, tôm, cua, hải sản và các loại phủ tạng động vật. Do đau nên người bệnh đi lại rất khó khăn, mệt mỏi.
Người mắc bệnh gút, một phần do rối loạn chuyển hóa purin ở người, một phần do thải trừ chất axit uric bị cản trở theo đường tiêu hóa và tiết niệu. Chất này ứ lại trong máu, lắng đọng ở các ổ khớp, ở thận gây sỏi đường tiết niệu. Các hạt sần sùi ở ổ khớp gọi là hạt tô phi - những hạt này to lên phải phẫu thuật.
Hình ảnh bàn tay một bệnh nhân gút. Ảnh minh họa
Dưới góc độ y học cổ truyền, BSCK I Nguyễn Kim Lan, Nguyên cán bộ Viện Châm cứu Trung ương cho biết, đông y quan niệm gút là loại bệnh thuộc chứng tý (đau xương khớp). Nguyên nhân chủ yếu là do khí huyết suy yếu khiến cho ngoại tà xâm nhập cơ thể gây tắc nghẽn sự lưu thông khí huyết, tà độc ứ đọng và tích tụ ở các ổ khớp. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ vào sâu bên trong cơ thể gây tổn thương và rối loạn chức năng các tạng phủ, chủ yếu là hai tạng can và thận.
Để chẩn đoán chính xác bệnh gút, ta cần xét nghiệm máu, trong đó có chỉ số axit uric. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho điều trị; có thể điều trị kết hợp cả y học hiện đại và y học cổ truyền.
Theo BS Lan, y học cổ truyền có một số món ăn phòng và trị gút cũng khá hiệu quả.
Khi đã bị gút, nên chú ý ăn các món sau để phòng tái phát khiến đau lại nhiều lần:
-Rau cải trắng tùy theo liều lượng, xào với dầu thực vật. Ăn hàng ngày.
-Khoai tây, cà rốt, dưa chuột, táo tươi rửa sạch ép lấy nước uống hàng ngày.
-Cà tím rửa sạch luộc chín, thái miếng nhỏ vừa ăn. Cho vừng, gia vị, xì dầu trộn đều, ăn cách ngày.
-Măng tre xào với dầu thực vật, nêm gia vị, ăn tuần 3 lần.
Về chế độ ăn nói chung, để phòng bệnh gút, mọi người cần ăn uống điều độ, không được bỏ bữa. Nên hạn chế tối đa thức ăn có nhiều đạm hay chất purin như phủ tạng động vật, hải sản, thịt có màu đỏ sẫm (trâu, bò, chó, ngựa, dê...). Không uống nhiều bia rượu, cà phê, trà. Không hút thuốc lá vì nó làm giảm khả năng bài xuất chất axit uric qua thận.
Mọi người nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để thận thải trừ chất cặn trong nước tiểu.
Người bệnh gút nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Ảnh minh họa
Ngoài ra, nên tập thể dục hàng ngày tùy theo sức khỏe. Tốt nhất là nên chọn một môn thể thao yêu thích, phù hợp với sức khỏe để tập luyện hàng ngày.
Lưu ý: Chế độ ăn kiêng đạm là yếu tố quan trọng trong việc duy trì nồng độ axit uric trong máu.
Chữa viêm khớp dứt điểm không cần dùng thuốc. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe