Lý giải nguyên nhân gây ra hiện tượng kỳ thú "siêu mây lốc xoáy" ở Sầm Sơn
Đám mây khổng lồ có hình tượng lốc xoáy bao trùm cả bầu trời Sầm Sơn vào ngày 3/8 chỉ là một trong những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.
Liên quan đến đám mây đen khổng lồ hình lốc xoáy bao trùm bầu trời Sầm Sơn chiều ngày 3/8, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa đã có báo cáo chính thức về vụ việc này.
Theo thông tin Đài cung cấp, độ cao chân mây khoảng 500 - 600m, màu đen kịt, hình dáng lạ và không gây ra thời tiết nguy hiểm như gió mạnh, sét, hay tố lốc hoặc mưa đá. Sau khi đám mây tan, trời có mưa rào nhẹ, gió Tây Tây Nam cấp 2, cấp 3 (tức 2 - 5m/s), không gây ra thiệt hại hay ảnh hưởng gì.
Supercell Cloud xuất hiện ở Thanh Hóa. Nguồn: Youtube
Đám mây ban đầu xuất hiện ở phía Đông Nam TP Sầm Sơn và di chuyển nhanh về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại khoảng từ 7 - 10 phút thì tan rã, phát triển thành mây tầng trung.
Được biết, do đây là đám mây vũ tích tầng thấp hình thành nhanh và tan nhanh nên các trạm khí tương và radar thời tiết không phát hiện được do không cùng thời điểm quan trắc.
Trước đó, vào chiều ngày 3/8, cư dân mạng truyền tay nhau những bức ảnh chụp cùng đám mây kỳ lạ. Đám mây có kích cỡ to đến nỗi cảm tưởng như chúng sắp sà xuống mặt đất.
Đám mây ở Sần Sơn mang hình dáng kỳ lạ. Ảnh Một Thế Giới
Trong giới khoa học cho rằng, hiện tượng như thế này là Supercell Cloud, thường xuyên xuất hiện khi những đám mây xoay liên tục theo chiều thẳng đứng kèm theo mưa đá, gió lớn và sét. Cao tới 10km, phạm vi lớn và có thể mở rộng ra xung quanh, Supercell Cloud còn được mệnh danh là “mẹ của vòi rồng” vì có khả năng tạo ra lốc xoáy.
Các nhà khoa học cảnh báo, khi gặp các đám mây đen, kèm giông lốc người dân cần đề phòng, tìm nơi trú ẩn an tòan. Người dân cũng không nên đứng lại xem hay cố gắng ghi lại hình ảnh trên vì có thể gặp nguy hiểm.