Lương y hướng dẫn cách đốt lửa trên lưng để giải cảm
Đốt lửa trên người hay còn gọi là massage lửa được dùng trong các trường hợp chữa cảm cúm, cảm lạnh. Ngoài việc chữa khỏi bệnh, massage lửa còn giúp người bệnh cảm giác khoan khoái, dễ chịu.
Mùa đông, thời tiết thay đổi bất thường khiến nhiều người bị các triệu chứng đau đầu, cảm cúm. Mới đây, ở Hà Nội các chị em đang truyền tai nhau phương pháp giải cảm kỳ lạ: đốt lửa trên người để chữa bệnh.
Trong Đông y, phương pháp này được gọi là hỏa long cứu. Phương pháp này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hỏa long cứu là phương pháp kết hợp 3 trong 1: cứu ấm kinh lạc, xoa bóp rượu thuốc và ấn huyệt, tác động cột sống; hình thành trên cơ sở lý luận châm cứu truyền thống kết hợp với tri thức tiết đoạn thần kinh của y học hiện đại; qua đó sẽ đả thông hai mạch Nhâm - Đốc và các đường kinh mạch khác cũng như các vùng huyệt, vùng đau.
Sức nóng ôn hòa dần dần của tốc cứu giúp cho sức thuốc dẫn truyền dọc theo kinh lạc hai mạch Nhâm - Đốc và các kinh huyệt, kích thích và phát động kinh khí, trong thấu đến tạng phủ, ngoài thông đến các khớp xương tay chân, đạt được tác dụng cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết, trục xuất tà khí, trấn thống (giảm đau).
Theo lương y Phan Công Tuấn, hiện đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền thì cách làm này cực kỳ đơn giản và nên phổ biến rộng rãi ở các cơ sở.
Đốt lửa trên lưng để chữa cảm tại nhà của Lương y Phan Công Tuấn
Chuẩn bị:
- 3 khăn lông (loại khăn khổ 50x80) nhúng nước vắt kiệt, nếu mùa đông thì nhúng khăn trong nước nóng rồi vắt kiệt để khi đắp lên người bệnh sẽ không phải co cứng cơ vì lạnh.
- 1 lọ cồn xoa bóp
- Một số dải vải xô (sợi cotton) rộng 8-10cm, dài nhiều cỡ từ 40-80cm để tẩm cồn xoa bóp. Dải vải dùng một lần cho từng người bệnh.
- Một số dải khăn lông cắt nhỏ rộng 5-6cm, dài nhiều cỡ như trên để tẩm cồn.
- 1 lọ cồn 90o để đốt và 1 bật lửa ga.
- 1 lọ Panthenol hoặc dầu mù u để phòng trị bỏng.
Lương y Phan Công Tuấn đang sử dụng phương pháp hỏa long cứu cho bệnh nhân
Cách thực hiện:
- Cho người bệnh nằm tư thế thoải mái, vùng huyệt được cứu hướng lên trên, mặt da nằm ngang bằng để đốt cứu thuận tiện.
- Dùng khăn ẩm che kín đầu tóc để khỏi nóng và cháy lan khi đốt cứu vùng cổ gáy.
- Dùng các dải vải xô đem tẩm cồn xoa bóp, trải lên mạch Đốc (giữa cột sống lưng, có thể trùm cả 2 nhánh kinh Bàng quang 2 bên), hoặc trên mạch Nhâm trước bụng, hoặc các vùng huyệt đang đau, hoặc các đường kinh có bệnh.
- Dùng một khăn lông ẩm (đã nhúng nước vắt kiệt) trùm phủ lên dải lụa.
- Dùng một số dải khăn lông cắt nhỏ, cho vào lọ cồn vắt cho ướt đều, đặt lên trên khăn vải ẩm, tương ứng vị trí dải vải tẩm cồn xoa bóp bên dưới.
- Bật lửa đốt lên, lửa sẽ bốc cháy chạy dài trên lưng hoặc bụng trông như một con rồng lửa (vì vậy phương pháp này đặt tên là Hỏa long cứu).
- Theo dõi phản ứng bệnh nhân, để từ 10-20 giây liền lập tức dùng khăn lông ẩm chuẩn bị sẵn trùm lên để dập lửa.
- Thầy thuốc lập tức áp bàn tay lên giữ nóng vài mươi giây. Khi cảm giác nóng giảm, giở khăn dập lửa ra đốt tiếp 3-4 lần nữa cho đến khi cháy hết cồn, rồi dùng ngón hoặc mu bàn tay day ấn các huyệt giáp tích dọc theo mạch Đốc và kinh Bàng quang hoặc các vùng kinh huyệt đau (cứu mạch Nhâm chỉ áp và day nhẹ, không ấn mạnh).
- Có thể nhúng cồn một lần nữa, lặp lại các thao tác trên (đốt cả thảy từ 6-8 lần).
- Sau khi cứu xong, gỡ hết các lớp khăn và vải ra, thấy vùng da nơi đốt cứu phản ứng ửng đỏ thường là dấu hiệu kết quả tốt.
Toàn bộ quy trình đốt lửa trên lưng để giải cảm
Theo Lương y Phan Công Tuấn, đây là phương pháp rất an toàn nếu tuân thủ đúng quy trình. Trong suốt quá trình trị bệnh theo phương pháp này, thầy thuốc phải ở bên cạnh theo dõi bệnh nhân.
Trường hợp người bệnh thấy nóng rát sau khi cứu, hoặc trên mặt da vùng huyệt được cứu xuất hiện nốt bỏng phồng nước, thì dùng lọ Panthenol xịt vào hoặc dầu mù u bôi lên và dán băng tránh nhiễm trùng.