Lũ nhấn chìm nhiều ngôi làng ở miền Trung, giao thông chia cắt
Trong sáng nay 9/10, nước lũ lên nhanh chóng khiến hàng nghìn nhà dân ở Quảng Bình ngập trong biển nước. Nhiều nơi ở Quảng Trị, Huế cũng đang oằn mình chống lũ
Sáng ngày 9/10, tại nhiều thôn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, (Quảng Bình) nước đã dâng tận mái nhà; hàng ngàn nhà dân ven sông bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt tại thôn 3 của vùng “rốn lũ” này, nước đã dâng tận nóc nhà. Theo thống kê, đã có hơn 300 căn nhà bị ngập sâu. Hiện người dân tại Tân Hóa đang tránh lũ trên các nhà nổi.
Trong sáng nay, lũ lên nhanh cũng đã gây ngập tại nhiều làng mạc của Quảng Bình. Tại huyện Tuyên Hóa, nước sông Gianh đổ về cũng đã cô lập 382 hộ dân tại các xã Đức Hóa, Ngư Hóa, Thạch Hóa, Lâm Hóa.
Nhà dân ngập trong biển nước. Ảnh: Dân Trí
Tại huyện Lệ Thủy, mực nước trên sông Kiến Giang đã lên đến 13,52m. Các hồ chứa, đập dâng bình quân đạt ở ngưỡng tràn và gần tràn. Mưa lũ khiến nhiều thôn, bản bị cô lập, chia cắt không đi lại được, có một số tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng.
Nước lũ gây sạt lở, cuốn đất đá ra đường. Ảnh: VTC News
Dọc 2 bên bờ sông Kiến Giang và một số điểm quanh sông Rào Ngò, nước đã ngập sâu từ 0,5 đến 1m, tổng số hộ dân bi ngập do lũ khoảng trên 600 hộ, tập trung ở xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, Trường Thủy, An Thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy…
Nước sông Kiến Giang lên nhanh, chảy xiết cũng khiến chiếc cầu phao dân sinh nối từ xã An Thủy qua xã Lộc Thủy bị cuốn trôi. Tại huyện Quảng Ninh, toàn huyện này có trên 2.831 căn nhà ngập từ 0,5 - 1m, trong đó nhiều nhất là xã Hiền Ninh (1.000 căn), Duy Ninh (846 căn ) và 7 bản bị chia cắt chưa thống kê cụ thể. Nước lũ dâng cao, cũng cô lập 8 bản ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch và gây ngập nhiều nhà dân tại huyện Quảng Trạch.
Vùng “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nước lũ dâng cao hơn 2m, khoảng 300 ngôi nhà bị ngập sâu, người dân chủ động di dời tài sản và chuyển sang tránh lũ trên những nhà nổi - Ảnh: TTXVN.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, mưa lũ những ngày qua cũng đang diễn biến phức tạp và gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại Km 76+310 đoạn qua xã Phú Vinh (huyện A Lưới) với khối lượng đất đá bồi lấp, đổ tràn ra mặt đường khoảng 2.000m3. Vị trí sạt lở lớn này đã gây chia cắt giao thông giữa Huế đi lên huyện miền núi A Lưới và ngược lại.
VNE cho hay, sáng 9/10, nước lũ từ thượng nguồn sông Hương đổ về nhanh đã tràn qua Đập Đá ở trung tâm TP Huế. Nước chảy xiết nên chính quyền rào chắn khu vực này, không cho người dân qua lại. Theo người dân địa phương, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy khi nước tràn qua Đập Đá là "Huế có lũ".
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin, trong 24h qua, Thừa Thiên Huế có mưa to trên diện rộng. Lượng mưa lúc 4h ngày 8/10 đến 4h ngày 9/10 phổ biến từ 100 đến 250 mm. Mực nước sông Hương, sông Bồ đang lên khi các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền, hồ Tả Trạch ở thượng nguồn tăng lưu lượng xả lũ.
Mưa lũ đã khiến một người mất tích, 4 người bị thương. Hơn 1.100 ngôi nhà ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà bị ngập với độ sâu 30 đến 80 cm.
Đường trong cổ Hội An ngập sâu trong nước. Ảnh Thanh Niên
Nguồn tin trên Thanh Niên cho biết, mưa lớn làm cho nhiều địa bàn tại tỉnh Quảng Trị chìm trong nước lũ, cô lập nhiều làng mạc. Trong đó, tại TP.Đông Hà nước đã tràn vào hàng chục ngàn nhà dân, biến nhiều tuyến đường lớn thành “sông”, nặng nề nhất là ở khu vực đường Lê Lợi, Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ... Các H.Cam Lộ, H.Hướng Hóa, Đakrông, TX.Quảng Trị... cũng bị ngập lụt trên diện rộng. Một số vị trí ở xã Ba Lòng, Pa Nang, A Vao (H.Đakrông)... bị cắt đứt với bên ngoài. Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 2.796 hộ với 10.141 người đến các khu vực an toàn.
Ngoài việc gây ngập lụt, mưa lớn còn gây sạt lở khủng khiếp ở 2 tuyến huyết mạch là QL9 và đường Hồ Chí Minh thuộc 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Riêng QL9 có 35 điểm sạt lở, còn đường Hồ Chí Minh có 85 điểm sạt lở; giao thông bị chia cắt. Ngành chức năng đã huy động nhân lực, máy móc thiết bị dọn dẹp và tổ chức đảm bảo giao thông tại các vị trí này.