Loét dạ dày có nguy hiểm không? Chữa trị loét dạ dày như thế nào?

22-02-2023 18:47:39

Loét dạ dày là bệnh xảy ra khi bề mặt niêm mạc dạ dày xuất hiện các vết loét gây tổn thương. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, địa lý. Vậy loét dạ dày có nguy hiểm không? Chữa trị loét dạ dày như thế nào sẽ được làm rõ qua bài viết dưới đây.

1. Loét dạ dày là gì?

Loét dạ dày hay viêm loét dạ dày là căn bệnh đặc trưng bởi các vết loét và viêm gây tổn thương trên niêm mạc dạ dày. Các vết viêm loét gây tổn thương, làm bào mòn lớp niêm mạc lót trong của dạ dày và làm lộ ra các lớp bên dưới thành dạ dày.

Viêm loét dạ dày là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, khu vực địa lý… Ở Việt Nam, bệnh đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trẻ hóa hơn trong thời gian hiện nay.

2. Loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Ở giai đoạn cấp tính, viêm loét dạ dày thường khởi phát với các triệu chứng xuất hiện đột ngột, dữ dội nhưng thường diễn tiến nhanh, ít để lại biến chứng và có thể điều trị triệt để.

Tuy nhiên nếu để bệnh kéo dài mà không điều trị kịp thời, bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính khiến bệnh nhân phải đối mặt với một loạt biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị… cuối cùng thậm chí có thể dẫn tới biến chứng ung thư dạ dày.

3. Nguyên nhân bị loét dạ dày

Theo các chuyên gia, hiện tại có 5 nhóm yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày có thể kể đến như:

  • Vi khuẩn HP: Theo thống kê tại Việt Nam có tới 70% dân số mang vi khuẩn Helicobacter Pylori trong cơ thể, trong số đó có tới 10 - 15% số ca biến chuyển thành bệnh viêm loét dạ dày. Vi khuẩn HP khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và tấn công gây ra các vết loét tại niêm mạc dạ dày.
  • Lạm dụng thuốc giảm đau: Việc lạm dụng các thuốc giảm đau, chống viêm phi steroid (NSAIDs) như diclofenac, ibuprofen... hay corticoid (prednisolone, dexamethasone...) cũng là một trong số những nguy cơ dẫn tới viêm loét dạ dày. Các thuốc giảm đau đều các tác dụng phụ là ức chế quá trình sản xuất lớp nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó khiến cho dạ dày tăng nguy cơ bị tổn thương khi gặp các yếu tố tấn công.
  • Loét do stress: Căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống hằng ngày cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới tình trạng viêm loét dạ dày. Stress không chỉ kích thích cơ thể tăng tổng hợp các chất trung gian hóa học gây viêm, làm nặng thêm các vết viêm loét mà còn tác động tới các dây thần kinh phó giao cảm tại dạ dày làm tăng phản xạ co bóp khiến cho các cơn đau dạ dày đến dồn dập và nặng nề hơn.
  • Di truyền: Những người có cha mẹ, anh chị em có tiền sử mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc phải viêm loét dạ dày cao hơn so với những người bình thường.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Ăn nhiều các thức ăn chua cay, có tính acid, thức ăn khó tiêu… làm nặng thêm các triệu chứng bệnh. Lạm dụng rượu bia, các chất kích thích… cũng gây tăng nguy cơ mắc phải viêm loét dạ dày.

Trên thực tế, không phải ai cứ mắc vi khuẩn HP, lạm dụng thuốc giảm đau hay có chế độ sinh hoạt, ăn uống không khoa học là đều bị biến chứng thành viêm loét dạ dày, có người mắc bệnh nhưng cũng có người không vấn đề gì.

Đó là bởi nguyên nhân thực sự gây nên viêm loét dạ dày là ở cơ địa của mỗi người. Cơ địa là tập hợp những khả năng chống lại các bệnh cũng như các tác nhân gây bệnh, cơ địa là yếu tố quyết định xem một người có khả năng bị mắc bệnh hay không.

Một người có cơ địa bị bệnh dạ dày, không đủ khả năng chống lại các yếu tố nguy cơ tấn công niêm mạc dạ dày như vi khuẩn HP, stress, căng thẳng… dẫn tới các vết loét dạ dày xuất hiện và các triệu chứng bệnh ngày càng nặng hơn. Ngược lại, người có cơ địa không bị bệnh dạ dày, cơ thể đủ khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, cho dù gặp phải các yếu tố tấn công nhưng dạ dày vẫn bình ổn và không khởi phát bệnh.

4. Triệu chứng thường gặp của loét dạ dày

Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh viêm loét dạ dày chính là triệu chứng đau vùng thượng vị (vùng trên bụng). Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gây ra một số triệu chứng đi kèm như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn,…

Trên thực tế, triệu chứng lâm sàng ở mỗi bệnh nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như nguyên nhân gây bệnh, thói quen ăn uống và khả năng chống chịu của từng trường hợp.

Một số triệu chứng nhận biết viêm loét dạ dày tá tràng, bao gồm:

  • Đau vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn): Đây là triệu chứng điển hình nhất của viêm loét dạ dày – tá tràng. Triệu chứng này có thể khởi phát đột ngột hoặc âm ỉ, dai dẳng. Mức độ đau có thể tăng lên sau khi ăn – đặc biệt là sau khi dung nạp thực phẩm chứa nhiều acid, gia vị cay nóng, rượu bia, cà phê,… Vùng thượng vị nóng rát, cồn cào, đầy trướng và khó chịu.
  • Thường xuyên xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn mửa – đặc biệt là sau khi ăn no. Sau khi nôn mửa thường có cảm giác dễ chịu.
  • Bụng nặng, đầy trướng và khó tiêu. Ợ hơi, ợ chua, hơi thở có mùi và có cảm giác đắng miệng sau khi ngủ dậy
  • Ăn không ngon miệng, chán ăn, người gầy sút, mệt mỏi và thiếu tập trung. Trong trường hợp khởi phát do nhiễm khuẩn, thân nhiệt có thể tăng lên 39 – 40°C, có thể đi kèm với tiêu chảy.
  • Các triệu chứng của viêm loét dạ dày thường bùng phát mạnh về đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, gây khó ngủ và ngủ chập chờn.

5. Điều trị loét dạ dày như thế nào?

5.1. Điều trị bằng thuốc Tây y

Mục đích chính khi điều trị bệnh nhân bằng Tây y nhằm giảm nhanh các cơn đau và làm lành vết loét. Một số nhóm thuốc chính thường được sử dụng trong lâm sàng bao gồm: 

  • Thuốc kháng acid giúp trung hòa acid trong dịch vị dạ dày tá tràng.
  • Thuốc giảm tiết acid giúp giảm tiết acid.
  • Thuốc ức chế bơm proton giúp ngăn chặn bài tiết dịch vị dạ dày.
  • Thuốc tạo màng bọc giúp tạo vỏ bọc quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạch dạ dày.
  • Thuốc diệt HP có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả.

5.2. Điều trị bằng Đông y 

Theo Y học cổ truyền bệnh loét dạ dày được mô tả trong chứng ‘‘vị quản thống’’. Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân của bệnh là do các yếu tố về tinh thần như: lo lắng, suy nghĩ, tức giận quá độ và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị làm tỳ không kiện vận vị mất chức năng thu nạp dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn.

Thuốc Đông y giúp từ từ thay đổi cơ địa, bình can, kiện tỳ vị, an thần, ôn bổ dưỡng khí vừa điều trị vừa ngăn ngừa hiệu quả bệnh tái phát, rất thích hợp để điều trị các bệnh mạn tính như viêm loét dạ dày. 

Tuy nhiên thị trường thuốc Đông y hiện nay đang tràn ngập những sản phẩm gắn mác “Đông y” không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng dược liệu cũng như hiệu quả điều trị, thậm chí còn lừa đảo, không hề có tác dụng điều trị dẫn tới đánh mất lòng tin của bệnh nhân vào Đông y.

Ngoài ra, việc sử dụng các bài thuốc Đông y truyền thống cũng tồn tại nhiều nhược điểm như: tác dụng chậm, dược liệu khó tìm kiếm, bảo quản, dễ bị nấm mốc làm giảm chất lượng, tốn thời gian, công sức để đun nấu… gây bất tiện cho bệnh nhân sử dụng.

6. Lời khuyên dành cho bệnh nhân loét dạ dày

Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nên có cho mình một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ để góp phần nâng cao thể trạng, làm giảm các triệu chứng điển hình của bệnh cũng như hạn chế tình trạng tái phát sau quá trình điều trị, cụ thể như sau:

  • Ăn bữa nhỏ chia nhiều bữa: Bệnh nhân loét dạ dày nên ăn chậm, nhai kĩ, ăn chia thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn vặt, ăn đêm để giúp cho dạ dày không bị quá tải, làm nặng thêm các triệu chứng bệnh.
  • Tránh thức ăn chiên rán, muối chua, khó tiêu: Tất cả các nhóm thức ăn trên đều gây khó tiêu, thậm chí làm tăng lượng acid trong dạ dày dễ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua…
  • Tránh tuyệt đối rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích: Rượu bia gây ức chế quá trình sản xuất lớp nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày trong khi nicotine trong khói thuốc lá làm trầm trọng thêm các vết loét…
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress: Những áp lực trong công việc, cuộc sống dẫn tới căng thẳng, stress đều làm tăng tiết dịch vị cũng như tăng phản xạ co bóp dạ dày dẫn tới tăng nặng thêm các triệu chứng, khiến cho bệnh nhân đau đớn, khó chịu. Do đó việc giữ tinh thần thoải mái không chỉ giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh mà còn góp phần cải thiện hiệu quả điều trị bệnh viêm loét dạ dày.

DS Lương Hưng
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //