Lộ diện bố mẹ thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La

17-04-2019 21:25:29

Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm hiểu nhiều ngày để nhận diện phụ huynh 44 thí sinh trong danh sách "nâng điểm" là ai, hay nói cách khác các thí sinh này là "con đồng chí nào" ở Sơn La.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, các đại học đã rà soát, buộc thôi học khoảng 60 thí sinh có điểm chấm thẩm định không đủ trúng tuyển. Công an ba tỉnh đã khởi tố, bắt giam 16 cán bộ giáo dục, công an liên quan. Tuy nhiên, phụ huynh, người thân của thí sinh - những người dùng quyền, dùng tiền để nâng điểm cho con em lại chưa bị xử lý.

Trao đổi với VnExpress ngày 16/4, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng dùng tiền để mua điểm, mua cơ hội cho con em là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thu thập bằng chứng để xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.

Ông Nghĩa phân tích, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật. Bất kể anh là ai, giàu có, quyền chức thế nào, nhưng đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý như nhau, "không thể vì anh nhiều tiền, nhiều quyền hơn mà được đặc cách không bị xử lý". Vụ án phải được xét xử công khai và mọi thông tin liên quan cần minh bạch, nếu không có thể dẫn đến xử lý không công bằng giữa những người cùng vi phạm.

"Tôi đề nghị có hình thức xử lý thích đáng phụ huynh có chứng cứ là đã trả tiền để được nâng điểm cho con em. Cán bộ, công chức thì xử lý trong cơ quan, đơn vị công tác, dân thường thì xử lý ở nơi cư trú, nếu đến mức nghiêm trọng thì xử lý bởi tòa án", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, tùy theo mức độ vi phạm và phạm vi công khai phù hợp, không thể viện cớ nào đó để "ém nhẹm" thông tin.


Nguồn: Tuổi Trẻ

Ngày 17/4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tỉnh ủy Sơn La xác nhận việc các cán bộ, đảng viên ở địa phương dính đến vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ phải bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Trong đó, ngoài những trường hợp là cán bộ ngành GD-ĐT, ngành công an đã bị khởi tố điều tra, còn có những trường hợp là phụ huynh của các thí sinh có tên trong danh sách 44 thí sinh được "nâng điểm" sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, việc xem xét xử lý đối với các trường hợp phụ huynh là cán bộ,  đảng viên sẽ diễn ra sau khi các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Sơn La hoàn tất việc xử lý vụ án gian lận thi cử.

Trước mắt, với những trường hợp cán bộ, đảng viên là phụ huynh có liên quan đến vụ gian lận thi cử, chủ trương của tỉnh là tạm ngưng mọi việc liên quan tới khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm… cho đến khi mọi việc rõ ràng.

Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã tìm hiểu nhiều ngày để nhận diện phụ huynh 44 thí sinh trong danh sách "nâng điểm" là ai, hay nói cách khác các thí sinh này là "con đồng chí nào" ở địa phương. 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //