Linh hoạt dạy học bám sát diễn biến dịch
Hiện nay diễn biến dịch Covid-19 ở mỗi địa phương khác nhau do đó việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giáo dục cũng linh hoạt để phù hợp thực tế và đảm bảo cho dạy học đạt hiệu quả tối đa.
Các trường "vùng xanh" tăng cường thời gian và tập trung nội dung căn cốt.
Tập trung môn chính, nội dung căn cốt
Có thể thấy, năm học mới đã diễn ra được 1 tháng, dù trường “vùng xanh” hay “vùng đỏ” thì kế hoạch giáo dục đều tập trung vào dạy các môn chính, tích hợp nội dung chủ đề để rút ngắn thời gian bài học và tập trung vào nội dung căn cốt.
Tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng cho biết HS được học kiến thức mới trực tiếp tại lớp ngay sau khai giảng vì nhà trường đã tổ chức tuần làm quen trước đó.
Tuy nhiên việc dạy học cho học sinh (HS) khối 1 thực hiện “cuốn chiếu” với 3 môn chính Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Các môn học khác dạy sau. Như vậy, nếu dịch bệnh phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến thì HS đã sẵn “nền tảng” để học hiệu quả.
Như trường học “vùng xanh” tận dụng thời gian “vàng” dạy học trực tiếp môn chính, nội dung căn cốt. Tại Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm- Hà Nội) cô Nguyễn Thị Lan Phương cũng cho biết dù dạy học trực tuyến song vẫn tập trung chính vào môn Tiếng Việt, Toán, dành thời gian cho HS luyện đọc viết thành thạo bởi nếu tiếng Việt không vững thì HS khó để học môn khác tốt.
Tuy nhiên, theo cô Phương thời gian dạy học trực tuyến không thể kéo dài như trực tiếp, nhiều khó khăn và hiệu quả thấp hơn, mặt khác phải tránh cho HS nhìn vào máy tính, điện thoại quá nhiều ảnh hưởng tới mắt nên khâu soạn giáo án được cô và đồng nghiệp “đầu tư” kĩ càng.
Một mặt tích hợp các nội dung chủ đề thành một bài dạy để không mất thời gian quá nhiều cho một nội dung bài học. Cùng đó thường xuyên đưa vào tiết học các trò chơi; đổi mới phương pháp dạy phù hợp để HS nhìn vào SGK nhiều hơn vào máy tính điện thoại trong thời gian học trực tuyến.
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) cho biết: Do địa phương có F0 trong cộng đồng nên HS địa bàn xã Trung Lý mới khai giảng và bước vào học tập trực tiếp muộn hơn 2 tuần.
Giáo viên nâng cao công tác soạn giáo án để hạn chế HS nhìn vào máy tính khi học trực tuyến.
“Với HS dân tộc, cứ nắm chắc tiếng Việt thì mới học được các môn khác hiệu quả. Do đó, Tiếng Việt sẽ là ưu tiên số 1 khi HS học trực tiếp tại trường. Bước sang tuần học thứ 3, việc dạy và học của toàn trường đang vào "guồng". Nhà trường cũng theo dõi sát sao diễn biến dịch tại địa phương để điều chỉnh phù hợp nhất...” – thầy Tùng bày tỏ. |
Dù bắt đầu năm học muộn 2 tuần và với đặc thù riêng như HS 100% dân tộc, không sõi tiếng Việt, không thể dạy học trực tuyến… nên nhà trường sẽ dành ra 2-3 tháng đầu chỉ dạy môn Tiếng Việt và Toán cho HS khối 1, 2. Khi HS vững tiếng Việt sẽ triển khai tiếp các môn Mỹ Thuật, Âm nhạc, Thể dục…
Cùng đó, trường cũng tăng 2 buổi chiều/tuần và ngày thứ 7 để dạy học cho HS toàn trường để đảm bảo đủ thời gian theo kế hoạch năm học mặt khác đề phòng dịch xuất hiện trở lại HS phải nghỉ học ở nhà.
Đẩy nhanh tiến độ, thời lượng
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, việc tận dụng thời gian “vàng’ cho dạy học trực tiếp, đề phòng dịch bùng phát tại địa phương ảnh hưởng tới dạy học vô cùng cần thiết.
Với tinh thần đó, ông Lê Mạnh Trường – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị của Sở GD&ĐT Lào Cai về việc tổ chức dạy học ngày thứ 7 hằng tuần cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục nhằm chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo các điều kiện cho việc triển khai, UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở GD&ĐT Lào Cai chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chế độ chính sách đối với học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học theo quy định.
Thầy Nguyễn Tiến Công – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu Học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai) khẳng định: Việc tổ chức dạy học thứ 7 cấp Tiểu học và THCS đều được đa số các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ.
Về phía các nhà trường cũng chủ động nội dung, chương trình dạy học trực tiếp cho HS theo kế hoạch tăng thời gian nhưng vẫn trọng tâm các môn học chính và tập trung vào nội dung căn cốt, quan trong.
Hiện tại HS và GV đều không khó khăn gì trong dạy và học, sẵn sàng tâm thế bước sang học trực tuyến (nếu có dịch) vì đã tận dụng được “thời gian vàng” từ đầu năm học cho các nội dung căn cốt.
Nhiều trường học tăng cường dạy học 2 buổi/ngày và ngày thứ 7 để tăng tốc dạy học.
Tại Ninh Bình, để đối phó với dịch bệnh phức tạp, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục một mặt tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, mặt khác xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch và tổ chức dạy học cụ thể theo các cấp độ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, các trường tiểu học từ 20/9 đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Đối với những trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% số lớp thì cũng ưu tiên dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 1, lớp 2.
Các nhà trường quá trình tổ chức ăn bán trú đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Còn đối với cấp THCS, THPT, Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng hướng dẫn căn cứ các quy định, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương;
Mặt khác chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 3969 gửi Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình GD phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành chương trình phù hợp với tình hình thực tế địa phương; tăng cường hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tế. |