Lao động tái nhiễm Covid-19 có được hưởng hỗ trợ từ BHXH không?
Thời gian qua có rất nhiều lao động bị mắc Covid-19 sau đó lại tái nhiễm. Điều lao động quan tâm lúc này chính là khi tái nhiễm họ có được thanh toán BHXH hay hưởng quyền lợi gì thêm không?
Tái nhiễm Covid-19 có được hưởng chế độ không?
Anh Nguyễn Văn Nam (Công nhân, Công ty Giày Hongfu Thanh Hóa) cho biết, anh mới mắc Covid-19 phải nghỉ việc 14 ngày để điều trị và làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH được 1 tháng. Vừa qua anh lại tái nhiễm Covid-19, anh Nam băn khoăn, không biết mình có tiếp tục được hưởng chế độ ốm đau hoặc hỗ trợ nào khác không?.
Lao động tái nhiễm Covid-19 vẫn được hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH. Ảnh: Quang Vinh
Cùng chung thắc mắc, chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội) cho biết, chị mới tái nhiễm Covid-19 không lâu. Lần một có khai báo mắc bệnh ở nhà điều trị hưởng BHXH. Tuy nhiên lần hai khi tái nhiễm thì không khai báo. Phần vì không biết liệu có được hưởng BHXH lần thứ 2 hay không, phần vì sợ thủ tục phức tạp như lần một nên không khai báo.
Cứ ốm có giấy xác nhận là được hưởng chế độ từ quỹ BHXH
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Thông tin BHXH Hà Nội cho biết, Luật BHXH có quy định cụ thể về việc lao động ốm, nghỉ việc hưởng BHXH. Theo đó, lao động cứ ốm, có giấy xác nhận là được hưởng quyền lợi và thanh toán tiền từ BHXH bất kể là ốm do tái nhiễm Covid-19 hay bất cứ bệnh lý nào khác.
"Việc chi trả quyền lợi ốm đau theo BHXH được thực hiện với cả các bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú ở tất cả các bệnh. Vì thế lao động tái nhiễm Covid-19 vẫn sẽ được hỗ trợ như đợt nhiễm đầu miễn không vượt quá số ngày nghỉ ốm theo quy định", bà Châu nói.
Cụ thể Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế”.
Lao động làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau nhận hỗ trợ từ Quỹ BHXH. Ảnh: Gia Khiêm
Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể như sau:
Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Riêng lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trường hợp lao động nghỉ việc do ốm đau thông thường trùng với ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị thì không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH.
Theo quy định tại khoản 3 điều 85 Luật BHXH năm 2014: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.
Ngày làm việc ở đây được hiểu là số ngày phải làm việc của người lao động trong một tháng theo nội quy, quy định của đơn vị cũng như nội dung thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thể hiện trên HĐLĐ nhưng không được trái với quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Bộ luật Lao động. Nếu đơn vị quy định thứ 7, chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì những ngày này không được tính là ngày làm việc để xét điều kiện không đóng BHXH tháng đó.
Như vậy, nếu các lao động nghỉ ốm chưa hết số ngày theo quy định Luật BHXH thì vẫn có quyền khai báo, làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH.