Lan tỏa thói quen tốt giúp xây dựng trường học hạnh phúc

17-04-2022 06:33:08

Thầy cô giáo vừa tự trau dồi vừa hướng dẫn học sinh hình thành những thói quen tốt để lan tỏa niềm hạnh phúc từ cá nhân đến cá nhân, từ cá nhân đến tập thể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.


An toàn, yêu thương và tôn trọng tạo nên trường học hạnh phúc.

Hạnh phúc từ thói quen tốt

Trong giờ học môn Toán tại Trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, thầy giáo Phí Văn Quang thường áp dụng công nghệ thông tin nhằm mở ộng không gian lớp học truyền thống, truyền sự hứng khởi tham gia học tập của các em học sinh. Thầy giáo sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ để học sinh chơi trò chơi, kiểm tra bài cũ như Google Form, OLM, Azota...

“Để học sinh hứng thú với bài giảng, tôi thường linh hoạt tổ chức hoạt động, tận dụng công nghệ thông tin nâng cao bầu không khí. Trên nhóm trường, nhóm zalo, tôi cũng thường trao đổi, động viên với trò khiến quan hệ thầy - trò trở nên thân thiết, gắn bó. Khi đó, học sinh sẽ mạnh dạn hỏi bài khó, kiến thức chưa hiểu rõ và tăng tính chủ động của cá nhân”, thầy Quang chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang cho biết: Trau dồi các giá trị yêu thương, an toàn và tôn trọng để học sinh phấn đấu trong học tập là quan điểm xây dựng trường học hạnh phúc của thầy và trò Trường THPT Văn Giang.

Nhà trường xây dựng tiêu chí trong trường học để không chỉ giáo viên mà học sinh có thể hình thành những thói quen tốt, tạo nên văn hóa ứng xử riêng của nhà trường. Cụ thể, học sinh tự quản trong tổ chức, tự giác trong học tập và tự lập trong cuộc sống. Thầy cô giáo là người dẫn dắt, định hướng khi cần thiết, không phải người “cầm tay chỉ việc”.

Nhiều học sinh khá, giỏi tích cực tham gia câu lạc bộ học tập Tiếng Anh, Toán giúp các bạn học lực trung bình trau dồi và hoàn thiện kỹ năng. Thầy cô giáo nhà trường cũng thường xuyên chia sẻ phương pháp dạy học hay, ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích để đem lại những giờ học chất lượng.


Một buổi sinh hoạt tập thể của học sinh Trường THPT Văn Giang.

Trao hạnh phúc trong khó khăn

Còn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa, học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường một phần nhờ vào thầy cô giáo luôn quan tâm, lắng nghe và chia sẻ với các em những vấn đề tâm lý sức khỏe. Tình yêu thương từ thầy cô đã thúc đẩy học sinh nhà trường tổ chức Câu lạc bộ "Cửa sổ diệu kỳ" đồng hành, hỗ trợ tâm lý cho học sinh phổ thông nói chung.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên môn Ngữ văn đồng thời là giáo viên hướng dẫn dự án, cho biết: Trong thời gian học trực tuyến, học sinh phải đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Giáo viên không thể bỏ qua những vấn đề tâm lý này khi học trực tuyến bởi trường học cần hướng đến sự an toàn, yêu thương và tôn trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đến khi học sinh trở lại trường, giáo viên cần dành thời gian trò chuyện, lắng nghe các em nhiều hơn. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng giáo viên bộ môn quan tâm, định hướng; đồng thời, phối hợp với phụ huynh kịp thời hóa giải tâm lý cho học sinh.

Trong giảng dạy, cô giáo kết hợp kể những câu chuyện truyền cảm hứng; tổ chức các sân chơi cả trực tuyến lẫn trực tiếp cho học sinh cùng nhau tham gia; giới thiệu những cuốn sách hay nhằm khích lệ văn hóa đọc. Những nỗ lực này giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc, yên tâm học tập và không ngừng trau dồi rèn luyện bản thân.

Ông Trần Đắc Viện, chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Hưng Yên nhận định công tác xây dựng trường học hạnh phúc là việc làm rất cần thiết của các nhà trường hiện nay. Để trường học thân thiện, hạnh phúc, xứng đáng là ngôi nhà, tổ ấm thứ hai với thầy cô, với các em học sinh thì những giá trị yêu thương, quan tâm, sẻ chia cần được hiện hữu, lan tỏa trong mỗi nhà trường.

"Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Trường học hạnh phúc là nơi mà ở đó kỷ luật vẫn nghiêm, kỷ cương vẫn được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác và ý thức tích cực của mỗi cá nhân", ông Viện bày tỏ.

 

Phạm Khánh
Theo Giáo dục & Thời đại //