Lại khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim

30-06-2017 10:46:16

Từ nhiều ngày nay, tại hầu hết các trung tâm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đã trưng biển hết vaccine “5 trong 1” Pentaxim, khiến nhiều cha mẹ lo lắng.

Phụ huynh bế con chờ tiêm vaccine tại Hà Nội

Lao đao “săn” vaccine dịch vụ “5 trong 1”

Nửa tháng nay, dù cô con gái đã đến lịch tiêm chủng mũi thứ 3 Pentaxim nhưng chị Mỹ Lệ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chật vật vì khắp nơi thông báo hết hàng: “2 mũi đầu tiên tôi đều tiêm cho bé ở bệnh viện (BV) tư gần nhà, tuy nhiên, cơ sở này đã thông báo không còn vaccine và khẳng định, đây là tình trạng chung của toàn thành phố”. Chị Mỹ Lệ đã tìm tới Trung tâm Tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), Phòng Tư vấn và tiêm chủng vaccine BV Nhi T.Ư, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ vaccine (Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế)… nhưng đều nhận được thông báo tương tự. Trong khi đó, chị Phương Thảo (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cũng bức xúc vì dù tìm được một số cơ sở còn vaccine Pentaxim nhưng những đơn vị này “nhất quyết” không bán lẻ mà chỉ cung cấp theo gói để kiếm lời.

May mắn hơn, chị Hoàng Thu Thủy (Bách Khoa, Hà Nội) tìm được nơi chấp nhận cung cấp mũi lẻ Pentaxim ở một bệnh viện tư nhân, nhưng được biết giá một mũi tiêm là 950 nghìn đồng. Chị Thủy cho biết: “Nhân viên của BV này nói rằng, giờ Pentaxim khá hiếm nên số lượng rất ít, chủ yếu là để dành cho khách đăng ký tiêm phòng trọn gói. Vì vậy, khách lẻ cần nhanh chóng đăng ký tiêm sớm, BV cũng không giữ thuốc để dành. Mặc dù mũi tiêm đắt hơn hẳn 220 nghìn đồng nhưng vẫn phải chấp nhận”.

Lịch tiêm chủng vaccine Pentaxim: Mũi 1 bắt đầu sử dụng cho trẻ lúc 2 tháng tuổi, các mũi tiếp theo cách nhau từ 1 đến 2 tháng. Mũi nhắc lại (mũi thứ 4) được tiêm trong năm tuổi thứ 2 của trẻ (từ 12 - 24 tháng tuổi). Chú ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần (1 tháng).

Cũng theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các điểm tiêm phòng như Trung tâm Tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), Phòng Tư vấn và Tiêm chủng vaccine BV Nhi T.Ư, Trung tâm Tư vấn và dịch vụ vaccine (Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế) đều treo biển “Hết vaccine Pentaxim”. Tại phòng tiêm chủng Safpo, một cán bộ y tế cho biết: “Rất nhiều người hỏi nhưng tại đây hết loại vaccine này từ khá lâu rồi. Chưa biết khi nào có lại để hẹn khách. Thật ra, chúng tôi chỉ còn lại ít liều dự phòng dành cho trẻ tiêm định kỳ của hệ thống thôi”.

Tương tự, đại diện Trung tâm Tư vấn dịch vụ vaccine (Viện Kiểm định quốc qua vaccine và Sinh phẩm y tế) cho biết, lượng vaccine dịch vụ “5 trong 1” tại đây đang khan hiếm do biến động của đơn vị cung ứng. Do đó, trung tâm này chỉ ưu tiên vaccine cho trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 Pentaxim tại trung tâm để đảm bảo việc phòng ngừa đầy đủ và đúng lịch trình Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Không chỉ Pentaxim, tại các điểm tiêm chủng lớn của Hà Nội nhiều loại vaccine khác cũng được thông báo hết. Điển hình như tại Trung tâm Tiêm chủng 131 Lò Đúc, 21/39 loại vaccine được thông báo hết, trong đó có các loại vaccine Preumo23, thương hàn, viêm màng não AC, viêm màng não BC, phòng dại, vaccine tổng hợp “4 trong 1”, “5 trong 1”, hay “6 trong 1”…

Thông báo hết nhiều loại vaccine tại phòng tiêm chủng vaccine của Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế

Phụ huynh cần làm gì khi chờ vaccine “5 trong 1”?

Lý giải hiện tượng khan hiếm vaccine “5 trong 1”, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thông tin, thực tế, vaccine Pentaxim không thiếu mà do lô hàng mới nhập khẩu về hiện đang chờ kiểm định nên dự kiến sẽ tiếp tục cung ứng ra thị trường trong thời gian gần. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định, cha mẹ trẻ không nên quá lo lắng, sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm lâu như năm trước với loại vaccine này. Vaccine nhập khẩu nói chung có thể bị chậm, sau đó lại phải chờ kiểm định nên việc thông thường vẫn xảy ra khoảng “thời gian trống” từ 1 - 2 tháng.

Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi, cách phòng bệnh tốt nhất là cho trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch vaccine. Do vậy, với trường hợp trẻ đã tiêm phòng vaccine dịch vụ Pentaxim, nếu đến lịch mà chưa có hàng nên chủ động chuyển qua tiêm vaccine Quinvaxem miễn phí. Thực tế, vaccine “5 trong 1” Pentaxim trong tiêm chủng dịch vụ chứa các thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib. Còn vaccine Quinvaxem miễn phí cũng là vaccine “5 trong 1”, chỉ khác nhau 1 thành phần là viêm gan B thay cho bại liệt. Do đó, nếu trẻ tiêm vaccine Quinvaxem, sẽ kết hợp uống vaccine bại liệt. “Việc tiêm chủng như vậy không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và không nên chờ có vaccine dịch vụ mới cho cháu đi tiêm vì trẻ có thể mắc bệnh nếu không tiêm đầy đủ và đúng lịch. Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng, gia đình cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân của trẻ để cán bộ y tế quản lý và chỉ định tiêm chủng phù hợp”, BS. Dũng cho biết.

 

Bảo Chi
Theo Sức khỏe & Đời sống //