Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) trong điều trị vô sinh, hiếm muộn có gì đặc biệt?

19-03-2018 09:41:00

Nếu như kỹ thuật IVF cần kết hợp trứng với rất nhiều tinh trùng thì kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng ICSI chỉ cần lựa chọn một tinh trùng khỏe mạnh nhất, di chuyển nhanh nhất để tiêm trực tiếp vào noãn trứng.

Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) là gì?

ICSI (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection) là tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Kỹ thuật này bao gồm nhiều thao tác khá tinh vi khi phải tiêm trực tiếp 1 tinh trùng duy nhất vào 1 bào tương trứng để tạo phôi thai. Sau đó, phôi này được chuyển đến tử cung của người phụ nữ để phát triển hình thành thai nhi.

Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) có gì khác với thụ tinh ống nghiệm (IVF)?

Nếu như kỹ thuật IVF cần kết hợp trứng với rất nhiều tinh trùng thì ICSI chỉ cần lựa chọn một tinh trùng khỏe mạnh nhất, di chuyển nhanh nhất để tiêm trực tiếp vào noãn trứng. Vì thế, kỹ thuật này luôn mang đến hiệu quả thụ thai cao.

Những trường hợp nào được áp dụng phương pháp ICSI?

ICSI ra đời như một giải pháp giữ lửa hy vọng và giúp các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có thêm cơ hội được trải nghiệm giây phút làm cha mẹ thiêng liêng. Kỹ thuật này mang lại hiệu quả điều trị cao và thích hợp với các đối tượng sau:

- Tinh trùng của người chồng ít, chất lượng kém, nhu động kém nên không thể bơi đến kết hợp được với trứng của người vợ.

- Tinh trùng có hình dáng bất thường.

- Nam giới gặp tình trạng rối loạn cương dương, xuất tinh ngược, không thể xuất tinh được.

- Người vợ và người chồng có kháng thể tinh trùng.

- Tinh dịch đồ hoàn toàn bình thường nhưng trứng và tinh trùng không thể kết hợp với nhau.

- Đã từng thực hiện kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không thành công.

Quy trình điều trị vô sinh bằng phương pháp ICSI

Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng thường được thực hiện qua các bước dưới đây.

Tập hợp tinh trùng: Người đàn ông sẽ cung cấp mẫu tinh dịch cho bác sỹ sau đó bác sỹ sẽ tiến hành thu thập tinh trùng từ mẫu tinh dịch được cung cấp. Mẫu tinh trùng có thể được canh lấy và sàng lọc gần với ngày lấy trứng hoặc được thực hiện trước đó và tiến hành trữ đông đến khi trứng của người phụ nữ sẵn sàng để thụ tinh.

Vi phẫu (nếu cần): Khi mẫu tinh dịch của nam giới có ít hoặc không có tinh trùng hoặc nam giới không thể xuất tinh, bác sỹ sẽ tiến hành vi phẫu để lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn hoặc ống dẫn tinh của nam giới. Thủ thuật sẽ được thực hiện sau khi bệnh nhân được tiến hành gây mê, quá trình thực hiện không gây đau đớn và có thể phục hồi từ 5 đến 10 ngày.

Lấy mẫu mô (nếu cần): Nếu quá trình vi phẫu lấy tinh trùng thất bại, bác sỹ có thể sẽ tiến hành lấy mẫu mô từ bên trong tinh hoàn (nơi có thể có chứa tinh trùng). Nếu vẫn không có tinh trùng, bác sỹ sẽ tư vấn sử dụng tinh trùng được hiến tặng để thụ thai.

Tập hợp trứng: Trong quá trình điều trị hiếm muộn, người phụ nữ sẽ được tiêm gonadotrophin nhằm kích thích buồng trứng sản sinh ra nhiều trứng trưởng thành để thụ tinh.

Sau khi nuôi dưỡng trứng trưởng thành, các bác sỹ sẽ tiến hành gây mê bệnh nhân sau đó sử dụng đầu dò siêu âm đưa vào âm đạo để quan sát buồng trứng và tìm nang trứng – nang trứng là nơi để trứng phát triển và trưởng thành. Một cây kim mảnh sẽ được được qua thành âm đạo để lấy trứng trong các nang, mỗi lần sẽ lấy được từ 8 đến 15 trứng.

Thụ tinh: Tinh trùng của nam giới sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng trong phòng thí nghiệm. Mỗi trứng được thụ tinh thành công sẽ trở thành phôi thai trong ba ngày sau đó.
Chuyển phôi: Tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe cũng như một vài yếu tố khác của người phụ nữ mà bác sỹ sẽ đưa phôi thai vào tử cung thông qua một catheter mảnh.

Nuôi dưỡng phôi thai: Nếu thành công, phôi thai sẽ làm tổ ở thành tử cung và được nuôi dưỡng, phát triển dần dần thành thai nhi. Các phôi thai còn dư có thể sẽ được trữ đông và tiếp tục dùng trong quá trình thụ tinh ống nghiệm trong tương lai.

Có thể chuyển hơn 1 phôi thai vào tử cung, như vậy khả năng đậu thai sẽ cao hơn tuy nhiên nguy cơ mang đa thai cũng rất lớn. Có đến 20% các em bé sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm là sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn.

Thử thai: Sau 2 tuần tiến hành đưa phôi thai vào tử cung, có thể thử thai để kiểm tra kết quả.

Tỷ lệ thành công của ICSI như nào?

Tỉ lệ thành công của ICSI ít phụ thuộc vào chất lượng và nguồn gốc tinh trùng. Như vậy, kỹ thuật ICSI có thể giúp một người có chất lượng tinh trùng kém vẫn có khả năng có con như một người có    chất lượng tinh trùng tốt.

Với bất kỳ nhóm tuổi nào và nguồn gốc tinh trùng sử dụng, ICSI là phương pháp mang lại hiệu quả thụ tinh cao với tỷ lệ trứng thụ tinh luôn đạt  từ 65 – 80% . 

Hiện nay, trên thế giới có xu hướng sử dụng kỹ thuật ICSI thay thế IVF cổ điển ngay cả ở những trường hợp tinh trùng bình thường, bởi vì ICSI có tỉ lệ thụ tinh cao hơn và tạo nhiều phôi hơn. Điều này có thể giúp tỉ lệ thành công cuối cùng cao hơn.

Một số nghiên cứu còn thấy rằng phôi hình thành từ kỹ thuật ICSI, khi trữ lạnh có khả năng sống cao hơn phôi hình thành từ kỹ thuật IVF cổ điển.

Kỹ thuật ICSI có an toàn không?

ICSI trở thành một trong những kỹ thuật không thể thiếu trong các trung tâm điều trị vô sinh  hiện đại. Chỉ định của ICSI ngày nay không chỉ gói gọn trong điều trị vô sinh do bất thường tinh trùng hay không tinh trùng mà còn được mở rộng trong nhiều trường hợp khác. 

Với ICSI, những tinh trùng lẽ ra không có khả năng thụ tinh với trứng trong tự nhiên do những bất thường về hình dạng, di động lại có thể được đưa vào bào tương trứng để hình thành phôi sau này. Chính vì vậy, một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của mọi người là tính an toàn của kỹ thuật này, đặc biệt trong những trường hợp có bất thường nặng về tinh trùng.

Kỹ thuật ICSI có những phản ứng phụ gì?

Theo nghiên cứu, một số nguy cơ có thể có đối với kỹ thuật ICSI như:

- Trứng có thể bị tổn thương khi tiêm tinh trùng và ảnh hưởng đến chất lượng phôi.

- Các trường hợp vô sinh do yếu tố nam có thể có bệnh lý di truyền cao hơn bình thường:

  + Khoảng 5-10% trường hợp bất thường tinh trùng nặng (mật độ tinh trùng <5 triệu/ml) có liên quan đến bệnh lý di truyền.

  + Các bất thường này có thể truyền sang cho trẻ sinh sau này.

  + Những bất thường này thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà chủ yếu là trên khả năng sinh sản sau này của trẻ.

- Tỉ lệ bất thường nhiễm sắc thể ở trẻ sinh ra do kỹ thuật ICSI có thể tăng nhẹ, đặc biệt ở các trường hợp tinh trùng yếu nặng, dị dạng. (Ở dân số bình thường, tỉ lệ bất thường nhiễm sắc thể thường khoảng 2%)

Các trẻ sinh ra đầu tiên từ kỹ thuật này trên thế giới đến nay đã trên 10 tuổi. Nhiều khảo sát về sự an toàn của kỹ thuật ICSI đã được thực hiện, có những khảo sát lớn thực hiện trên hàng ngàn trẻ, hầu hết đều cho thấy đây là một kỹ thuật tương đối an toàn, không làm tăng tỉ lệ dị tật bẩm sinh.

Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy các bé sinh ra từ kỹ thuật ICSI phát triển bình thường. Ngoài ra, sự phát triển của các trẻ này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu tại nhiều trung tâm trên thế giới.


Xem thêm Bác sĩ dạy cách đắp hành tây vào gan bàn chân để detox và trị cúm hiệu quả

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //