Ngôi làng kỳ lạ nhất Việt Nam: Đàn ông ngồi mát trong nhà, đàn bà ra đồng cày cuốc

13-05-2017 07:00:42

Ở làng Trạch Xá, những công việc nặng nhọc như phụ hồ, hút bùn, cày bừa… đều đến tay những người phụ nữ trong khi việc thêu thùa, may vá lại là chuyên môn của những người đàn ông.

Nghề chỉ truyền cho con trai

Cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 60km, làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là một trong số ít những ngôi làng còn giữ được những nét truyền thống của làng quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình.

Vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính đến nao lòng của làng nghề may nổi tiếng nhất Việt Nam đã từng làm xao xuyến biết bao du khách từng một lần ghé thăm.

Đường vào làng may Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội).

Điều đặc biệt hơn, đến Trạch Xá, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh những người đàn ông và đàn bà "đổi vị trí" cho nhau.

Trong khi tất cả những công việc trong gia đình từ cày cấy, chăm sóc ruộng vườn, nhà cửa đến những việc nặng nhọc hơn như hút bùn, phụ hồ… đều đến tay người phụ nữ thì những người đàn ông lại chuyên tâm vào việc thêu thùa, may vá.

“Đây cũng là một nét đặc biệt nhất của làng tôi so với những nơi khác. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, đàn ông cũng đã ít nhiều giúp đỡ phụ nữ trong các công việc nhưng phần lớn công việc chính của họ (những người đàn ông) là ngồi bên máy khâu, tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ”, một người dân làng Trạch Xá cho biết.

Với mong muốn tìm hiểu sự đặc biệt của ngôi làng này, PV đã tìm đến gia đình cụ Nguyễn Văn Nhiên (85 tuổi). Theo người dân trong làng, cụ Nhiên là một trong 3 lão niên trong làng, người nắm rõ được gốc tích của nghề may truyền thống của làng Trạch Xá.

Ông Đỗ Minh Thường đang trau chuốt từng cánh vải may áo dài.

Theo cụ Nhiên, nghề may truyền thống ở Trạch Xá đã có từ lâu đời. Từ người già cho đến trẻ nhỏ ai cũng thuộc lòng sự tích về bà tổ nghề của làng.

Theo đó, tổ nghề may được người dân làng Trạch Xá suy tôn là bà Nguyễn Thị Sen – Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Truyền thuyết kể lại rằng, tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng là một người tài sắc vẹn toàn với đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt rất yêu thích công việc thêu thùa, may vá.

Trong thời gian ở trong cung, vị tứ phi đã học được nghề may. Để rồi trong một lần chạy trốn quân thù, bà được người dân làng Trạch Xá cưu mang.

Cảm động trước ơn cứu mạng của người dân, bà đã truyền lại nghề may cho làng và rồi đến tận bây giờ, cái nghề ấy vẫn được "cha truyền, con nối" trong nhiều thế hệ và trở thành nghề truyền thống của làng.

Những hình ảnh rất dễ bắt gặp khi đến làng Trạch Xá.

Bên cạnh truyền thuyết tổ nghề may để ghi nhớ công ơn Tứ phi Nguyễn Thị Sen, người dân trong làng cũng kể cho nhau nghe câu chuyện về nghệ nhân Tạ Văn Khuất, mới chỉ 30 tuổi đã được may áo cho Nam Phương Hoàng hậu như một niềm tự hào, vinh dự của làng.

Người dân kể lại, lần đó, ông Khuất mặc dù đứng xa cả mấy chục mét nhưng vẫn ước lượng chính xác số đo của Nam Phường Hoàng Hậu và may được bộ áo dài vừa vặn và đẹp mắt khiến nhiều người kinh ngạc.

Đem thắc mắc về chuyện đi quanh làng đều thấy cảnh đàn ông may vá cụ Nhiên cười hào sảng rồi giải thích.

“Nó cũng bắt nguồn từ cái đặc thù của nghề may mà ra. Ví dụ như tôi đây, mang tiếng là làm nghề nông nhưng tôi cũng có biết cấy, biết cày bừa gì đâu”.

Theo cụ Nhiên, trước đây, khi mới có nghề may, những người dân làng Trạch Xá phải đi khắp các nơi để hành nghề.

Ở Trạch Xá 90% thợ may áo dài là đàn ông.

Cứ mỗi độ Tết, không khó để bắt gặp những “ông thợ may” Trạch Xá tay kéo, tay thước, vai mang hành lý đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để cắt may áo dài thuê.

“Chính vì đặc thù của nghề may áo dài Trạch Xá phải đi “chu du” thiện hạ, rất khổ cực nên phận gái không thể theo được. Cũng chính vì thế mà những người phụ nữ đóng vai trò là hậu phương quê nhà vững chắc, cáng đáng, đảm đương mọi công việc lớn nhỏ từ đồng áng đến gia đình để những người đàn ông yên tâm làm tốt công việc của mình.

Trước đây, nghề may áo dài chỉ được truyền cho con trai.

Để hoàn thiện một chiếc áo dài cần rất nhiều thời gian và công sức nên những người làng Trạch Xá đều được nuôi ăn và ở ngay tại nhà chủ cho đến khi xong việc. Xong việc ở nhà này lại khăn gói đi sang nhà khác.

"Mấy chục năm trước mà cháu đến làng thì không có bóng dáng đàn ông vì họ đều tỏa đi các nơi để làm nghề”, cụ Nhiên lý giải.

Nghề may truyền thống ở làng Trạch Xá có từ lâu nhưng đặc biệt không truyền cho con gái. Đó cũng là một quy định bất di, bất dịch trong làng tồn tại đã nhiều đời nay.

“Phận gái đi lấy chồng, nghề của làng lại bị truyền ra ngoài nên các cụ tuyệt nhiên không truyền cho con gái”, cụ Nhiên cho hay.

Người dân chỉ coi may là nghề phụ

Gắn bó với nghề may truyền thống của làng hơn 30 năm nay, ông Đỗ Minh Thường được biết đến như một “lão niên thợ may” có tiếng tại làng Trạch Xá.

Ông Thường cho biết, nghề may của làng cũng có bí quyết để tạo ra được những chiếc áo dài vừa đẹp, vừa khác biệt, mang đặc trưng riêng của làng “Thông thường ở những địa phương khác, may áo chủ yếu bằng kĩ thuật khâu tay ngang nhưng ở Trạch Xá, chúng tôi đều sử dụng kĩ thuật khâu tay dọc.

Ưu điểm của kĩ thuật này là tạo nên những mũi khâu đều, vẫn được ví như “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” cùng với việc đo, cắt “ngang canh, thẳng sợi” đã tạo nên những chiếc áo dài hoàn toàn khác biệt”, ông Thường cho biết.

Người làng Trạch Xá cho biết, những người đàn ông khi may áo sẽ cho ra những chiếc áo dài đẹp hơn.

Ông Thường cho biết, mỗi chiếc áo dại được may theo yêu cầu của khách hàng có giá từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng. Thậm chí còn có những chiếc áo giá có thể lên tới vài chục triệu đồng tùy theo chất liệu và kĩ thuật cũng như yêu cầu từ phía khách hàng.

Cũng theo ông Thường, nghề may áo dài quan trọng nhất là con mắt nhìn của người thợ. “Riêng bản thân tôi thì đàn ông thiết kế, may vá áo dài cho phụ nữ chắc chắn sẽ đẹp hơn là phụ nữ may cho phụ nữ. Các cụ bảo rồi, mắt con trai, tai con gái mà”.

Ông Thường cho biết, để biết được nghề, ngoài khả năng về thẩm Mỹ người học cũng cần có sự kiên trì, bởi theo ông, may một chiếc áo dài là cả một quá trình làm việc kỳ công.

Cụ Nguyễn Văn Nhiên, một nghệ nhân may áo dài ở làng Trạch Xá.

“Bên cạnh con mắt thẩm mỹ để có thể hình dung ra chiếc áo dài sắp may, người học phải có sự nhẫn nại vô cùng. Thời trước, chúng tôi toàn khâu bằng tay nên phải cần từ 3 ngày đến 5 ngày mới ra được thành phẩm.

Hơn nữa, để có được chiếc áo dài đẹp cần phải trau chuốt trong từng đường kim, mũi chỉ nên nếu ai nóng vội sẽ hỏng việc ngay”, ông Thường chia sẻ

Khi được hỏi về tương lai của nghề may, ông Thường chia sẻ: “Mặc dù đa số họ dân đều có nghề may nhưng chúng tôi chỉ coi đây là một nghề phụ.

Để có được những chiếc áo dài ngoài con mắt thẩm mỹ còn phụ thuộc nhiều vào sự tỉ mỉ của người thợ may.

Công việc chính vẫn là nông nghiệp. Không ai có thể sống được nếu cả năm chỉ ngồi ở nhà để may áo dài. Cũng may bây giờ còn có sự hỗ trợ của máy móc nên công việc cũng bớt vất vả đi”.

Sau chặng đường dài phát triển, trải qua biết bao thăng trầm của thời thế, nghề may vẫn có chỗ đứng vững chắc trong mỗi người dân làng Trạch Xá. Theo tính toán sơ bộ, hiện nay có đến 90% số hộ gắn bó với nghề may.

Đến thời điểm hiện tại, để phát triển nghề truyền thống, người dân Trạch Xá cũng đã nới lỏng hơn những quy định về nghề khi những người phụ nữ ngoài công việc đồng áng cũng đã bắt tay vào công việc may vá mỗi khi thời vụ nông nhàn.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus //