Kim Thượng sau cơn 'bão' HIV: Người thân ăn riêng bát, đi đám không dám dùng cơm

17-09-2018 06:40:09

Kể từ khi thông tin 42 người bị lây nhiễm HIV được phát hiện, cuộc sống của những cộng đồng người Mường tại xã Kim Thượng có nhiều biến động. Mong mỏi duy nhất của người dân đến thời điểm hiện tại vẫn là cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng để tìm hiểu ra nguyên nhân lây nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Một góc khu Chiềng 3, xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ)

Không dám thân thiết với con cháu trong nhà

Trở lại xã Kim Thượng hơn 1 tháng sau khi thông tin gây rúng động trong cộng đồng dân cư khi có đến 42 người (bao gồm cả người già và trẻ em) được xác định có kết quả dương tính với HIV, theo ghi nhận của PV, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình lặng như bao ngày.

Tuy nhiên, ẩn sau cái vẻ bình lặng ấy, nhiều người dân cho biết họ vẫn đang hoang mang cực điểm với con số 42 người được xác định dương tính với HIV.

“Chúng tôi hoang mang lắm chứ. Chính quyền đưa ra con sô 42 người bị nhiễm HIV nhưng không thông báo danh tính cụ thể. Ở chỗ tôi cũng chỉ biết có vài người, còn lại không biết thêm ai cả.

Vì vậy nên từ khi có thông tin về vụ việc, chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc ở những chỗ đông người. Rồi thì thấy có hiện tượng đau ốm gì đều phải đến ngay cơ sở y tế làm xét nghiệm. Rất hoang mang”, một người dân sinh sống tại khu Chiềng 3 thông tin.

Một bệnh nhân nhiễm HIV ở Kim Thượng

Trong khi đó, với những người đã xác định có kết quả dương tính với HIV, những ngày này “thực sự là khoảng thời gian khó khăn”. Họ ngại ngùng, thậm chí lảng tránh khi biết tin có người lạ đến hỏi thăm.

Theo thông tin một người dân đang sinh sống tại khu Chiềng 3 cho biết: “Nhiều nhà có người bị nhiễm bệnh nhưng người ta còn muốn giấu. Người lạ vào nhà dân làng nhìn thấy lại đồn đoán nên họ ngại nói chuyện lắm”.

Còn với bà Hà Thị G. (59 tuổi, trú tại khu Chiềng 3) khoảng thời gian kể từ khi bà biết mình bị bệnh đến bây giờ là những ngày đen tối nhất trong cuộc đời bà. Từ một người vui vẻ, hoà đồng, hay cười, hay nói, giờ đây bà chỉ dám quanh quẩn trong nhà.

“Từ khi biết mình mắc bệnh, tôi đã chủ động ăn riêng bát, riêng đũa, riêng đồ ăn với các thành viên trong gia đình. Nếu như nhà không có khách, tôi vẫn ngồi ăn với mọi người nhưng phải chia riêng thức ăn.

Lọ thuốc được cấp miễn phí cho người nhiễm HIV ở Kim Thượng

Còn nếu lúc nào nhà có khách tôi sẽ chủ động ngồi ăn riêng hoặc sang bên nhà người em để ăn. Mặc dù trong các cuộc trao đổi do huyện tổ chức chuyên gia nói rằng HIV không lây nhiễm qua đường ăn uống nhưng mặc cảm bệnh tật khiến tôi không tự tin tiếp chuyện với mọi người”, bà G. cho biết.

Bên cạnh việc ăn uống, cuộc sống sinh hoạt của bà cũng thay đổi khi bà không còn dám thân thiết với các cháu như lúc trước nữa. Người phụ nữ gần 60 tuổi cho biết bản thân rất lo lắng sợ rằng các cháu có thể bị lây nhiễm bệnh từ bà.

“Tôi cũng có tuổi rồi nhưng các cháu còn cả tương lai phía trước, nhỡ đâu bị lây bệnh sẽ rất khổ cho các cháu”, bà G. bộc bạch.

Cũng theo bà G. nỗi ám ảnh, mặc cảm lúc nào cũng thường trực trong suy nghĩ của bà. Bà G. bảo: “Bình thường có người nói chuyện như này tôi còn đỡ lo nghĩ chứ không có ai ngồi một mình là lại lo sợ. Thế rồi cứ khóc như trẻ con.

Mong ước của tôi bây giờ là làm sao để có thể khỏi bệnh. Bên cạnh đó cũng mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân. Mặc dù biết cũng không giải quyết được gì nhưng những người mắc bệnh như chúng tôi vẫn muốn biết vì sao mình lại mắc bệnh”.

Người xã khác không dám ăn cỗ

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như người chị, bà Phùng Thị K. (53 tuổi, em gái bà G.) cũng được xác định có kết quả dương tính với HIV. Từ một người phụ nữ lực điền, khoẻ mạnh, giờ đây bà K. sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng.

Bà K. là người thứ 2 trong gia đình mắc bệnh khi trước đó chồng bà là ông Hà Văn N. (56 tuổi) cũng đã qua đời vào ngày 26 Tết vừa qua.

Sự ra đi của ông N. vì HIV khiến gia đình bà K. lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng. Cách đây hơn 1 tháng, trong đợt lấy máu tổng kiểm tra, bà K. chết điếng người khi được biết bản thân cũng có kết quả dương tính với HIV.

Theo bà K. kể từ khi mắc bệnh, sức khoẻ bà sụt giảm nghiêm trọng kèm theo đó là tâm lý lo lắng, hoang mang. “Từ khi mắc bệnh, bên huyện cũng cử cán bộ xuống để vận động, ổn định tinh thần cho người dân và hướng dẫn mọi người hiểu đúng hơn về bệnh để tránh gây tâm lý hoang mang.

Mỗi tháng chúng tôi cũng đều được cấp phát miễn phí 1 lọ thuốc uống. Mỗi ngày chúng tôi phải uống 1 viên vào 1 giờ cố định. Tuy nhiên do không quen với thuốc nên mỗi khi uống xong người tôi cứ mệt rã rời, không làm gì được cũng không đi lại được. Cả ngày chỉ nằm ở giường”, bà K. cho biết.

Giống như bà G., mặc cảm bệnh tật cũng khiến cho bà K. không dám đi đến đâu. Bà K. đang sống cùng vợ chồng người con trai và 2 cháu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, bà K. cũng không dám gần gũi, bế ẵm các cháu như trước. Hơn lúc nào kết, bà sợ chính bản thân sẽ là nguồn lây bệnh cho 2 đứa cháu vẫn còn nhỏ của mình.

Việc 42 người bị nhiễm HIV tại xã Kim Thượng không chỉ còn là việc lo lắng của những người dân sinh sống tại đây mà còn lây lan sang những địa phương khác. Một người dân thở dài ngao ngán chia sẻ với PV về việc cách đây 3 ngày, một cụ bà 80 tuổi trú tại khu Chiềng 3 do tuổi cao sức yếu đã từ trần.

“Công việc hiếu không thể trì hoãn được nhưng thay vì như trước kia, những người ở địa phương khác cũng chỉ đến thăm viếng rồi lại vội vã rời đi ngay mà không ở lại dùng cơm với gia đình như trước.

Nhà bà cụ này có một người cháu năm nay được 6 tuổi, trong đợt kiểm tra vừa qua, cháu bé này bị xác định lây nhiễm HIV. Không nói ai cũng biết người ta sợ sẽ lây nhiễm HIV nếu như dùng cơm tại đây. Đám tang hôm ấy chỉ còn lại những người thân thiết với gia đình dùng bữa”.

“Tôi sẽ vẫn cho con đi học”

PV tiếp tục tìm đến nhà chị P.T.Đ. Chị Đ. Là mẹ của cháu H.N.Q. (bé gái nhỏ tuổi nhất được xác định bị nhiễm HIV – cháu Q. vừa tròn 18 tháng tuổi). Khác với khung cảnh ủ rũ, u uất những ngày đầu khi mới biết tin con gái bị mắc bệnh, tâm lý chị Đ. đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Chia sẻ với PV, chị Đ. cho biết bản thân vẫn còn rất buồn và lo lắng cho sức khoẻ của người con gái khi cháu vẫn còn rất nhỏ nhưng lại bị mắc bệnh nhưng “giờ buồn cũng có được gì đâu chú ơi. Giờ tôi chỉ cố gắng chăm sóc cho cháu. Chỉ mong sẽ có một phép màu xảy ra”.

Chị P.T.Đ. cho biết sẽ cố gắng chăm sóc sức khoẻ cho con gái 18 tháng tuổi nhiễm HIV

Theo chia sẻ của chị Đ. từ khi mắc bệnh đến bây giờ, sức khoẻ của cháu Q. không có thay đổi gì nhiều. Cháu vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường cạnh mẹ và anh trai. Gia đình chị cũng không thực hiện kiêng khem, cách ly cho cháu vì.

“Các cán bộ bên huyện về tư vấn bệnh này không dễ lây và gia đình không phải thực hiện cách ly gì cho cháu. Chỉ cần để ý tránh tiếp xúc với máu của cháu.

Hơn nữa, con tôi còn nhỏ thế này, cách ly làm sao được nữa. Nếu người ta có khuyên tôi cách ly tôi cũng không nỡ để cháu phải xa mình”, chị Đ. cho biết.

Thuốc điều trị nhiễm HIV cháu Q. đang sử dụng

Chị Đ. cho biết thêm, hiện giờ trên người cháu Q. vẫn xuất hiện những vết lở ở chân và thỉnh thoảng cháu thường bị ngứa dữ dội. Tuy nhiên, những vết thương này đã có chiều hướng lành lại sau một thời gian chứ không loét ra như trước nữa.

“Tôi sẽ vẫn cho cháu đi học chú ạ. Mặc dù mắc bệnh nhưng cháu cũng cần được học hành bình thường như những đứa trẻ khác. Sang năm khi cháu đủ tháng tuổi, tôi sẽ cho cháu đến lớp. Chỉ mong rằng xã hội không kỳ thị những người không may mắc bệnh như cháu”, chị Đ. chia sẻ.

Ông P.V.Đ. cho biết ông mong người dân sẽ không kỳ thị, xa lánh những người không may nhiễm HIV

Chị Đ. cho biết đến thời điểm hiện tại chị vẫn muốn biết nguyên nhân do đâu con mình mắc bệnh nhưng “điều đó không còn quá quan trọng nữa”. Điều mà chị mong ước bây giờ là một lần được đưa con ra Hà Nội để được thăm khám xem bệnh tình của con gái đến đâu và có phương pháp điều trị nào để hạn chế sự phát triển của HIV trong cơ thể cháu.

Hướng mắt nhìn PV, anh trai cháu Q. (học lớp 6) cho biết cũng sẽ không xa lánh mà cùng giúp phụ mẹ trông coi em gái.

Người cuối cùng PV tiếp xúc trong lần trở lại Kim Thượng này là ông P.V.Đ. So với lần gặp trước đây, sức khoẻ ông Đ. đã giảm sút đi khá nhiều, mái tóc của người đàn ông 45 tuổi cũng đã bắt đầu có dấu hiệu rụng nhiều.

Một đứa trẻ chơi đùa dưới dòng suối chảy qua làng

Ông Đ. vừa phải nằm viện hơn 10 ngày để điều trị bệnh khi thấy sức khoẻ của mình có dấu hiệu yếu đi nhanh chóng. Ông Đ. chia sẻ: “Tôi cũng chỉ mong những người dân không kỳ thị, xa lánh với những người không may mắc bệnh như chúng tôi. Như thế cũng là may mắn lắm rồi”.

Chiều ở Kim Thượng vẫn rất đẹp, từng tốp trẻ vẫn nô đùa, tắm mát dưới dòng suối trong xanh uốn lượn chảy qua làng. Những người dân vẫn hối hả với cuộc sống mưu sinh. Mong rằng mong ước “người dân sẽ không kỳ thị, xa lánh những người không may nhiễm HIV” của ông Đ. sẽ thành hiện thực.

Thế nhưng, trước mắt người dân vẫn đang mong đợi đêm ngày một câu trả lời từ cơ quan chức năng về nguồn cơn gây bệnh để mọi người biết. Đến lúc đó, người dân mới bớt nghi kỵ lẫn nhau để ổn định cuộc sống.

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //