Khu chợ cho người bán hàng rong đầu tiên ở Sài Gòn
Hơn một năm nay, quận Tân Bình (TP.HCM) đã bố trí cho hàng chục người bán hàng rong kinh doanh cố định ở mặt tiền chợ Phạm Văn Hai để họ yên ổn làm ăn.
Tại mặt tiền chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) từ một năm nay, có một khu chợ buôn bán sầm uất mỗi buổi tối. Đủ loại món ăn đường phố được bán trong không gian của chợ, người ăn có chỗ để xe riêng, không còn cảnh bán hàng, đậu xe ngay trên vỉa hè.
Ông Thái Bình Sơn, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, cho biết tại khu vực này, khoảng 20 hộ buôn bán hàng rong trước đây có hoàn cảnh khó khăn đã được UBND quận Tân Bình sắp xếp cho vào chợ kinh doanh. Khu chợ bắt đầu từ 18h30 đến 23h mỗi ngày và đã hoạt động được một năm.
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh (31 tuổi, phường 3, quận Tân Bình) dọn hàng, đẩy xe xôi vào khu vực của mình. "Trước kia tôi bán xôi trên vỉa hè đường Hoàng Sa. Khi ấy vừa bán vừa hồi hộp, sợ bị trật tự đô thị đuổi. Hai tháng trước, nghe khu này có chỗ bán nên tôi xin vô. Thời gian đầu, không còn khách quen nên ế ẩm nhưng tôi có chỗ cố định bán là vui lắm, từ từ sẽ ổn định", chị chia sẻ.
Mức phí mặt bằng áp dụng theo quy định của UBND TP nhưng những người bán ở đây được miễn các loại phí về điện, nước, vệ sinh…, cũng như được đào tạo về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban quản lý chợ cũng cung cấp bạt, dù che chắn cho từng gian hàng. Ngay sát mép vỉa hè là các thanh chắn cao khoảng 30 cm để ngăn không cho các tiểu thương lấn ra ngoài.
Trời mưa nhỏ, bà Nguyễn Thị Gái (46 tuổi) căng dù cho gian hàng ốc của mình. Bà nói: "Tôi bán ở đây được một năm rồi, trước kia cứ đẩy xe đi khắp nơi. Nguyên nửa năm đầu vào đây hầu như bán lỗ vì không còn mối. Dù vậy, tôi vẫn muốn buôn bán ở đây lâu dài vì có chỗ làm ăn ổn định. Mỗi tháng tôi chỉ mất khoảng 500.000 đồng tiền thuế, phí cho chợ".
Còn chị Lưu (40 tuổi) trước kia bán cháo trắng ở vỉa hè đường Phạm Văn Hai. "Khi chính quyền vận động vô đây tôi đồng ý ngay, đến giờ cũng được gần năm rồi. Do trước kia tôi bán gần đây nên không mất khách, việc kinh doanh diễn ra ổn định, mình lại có chỗ bán đàng hoàng nên hài lòng lắm", chị bộc bạch.
"Thực ra chúng tôi cũng không muốn bán vỉa hè, lề đường đâu nhưng vì không tìm được mặt bằng buôn bán hợp lý nên mới buộc phải thế. Giờ có chỗ cố định để bán dù thời gian đầu có lỗ tôi cũng chấp nhận", chị Kiều Oanh (30 tuổi) chia sẻ.
Ông Lê Thanh Bình - Phó chủ tịch quận Tân Bình - cho biết: "Quận kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhưng vẫn tìm các phương án nhằm tạo điều kiện cho người dân có điều kiện kinh doanh phù hợp. Những người bán rong đều có hoàn cảnh khó khăn nên chính quyền cố gắng giúp họ ổn định cuộc sống, không phải dựa vào vỉa hè", ông giải thích.
Theo ông Bình, để giúp các tiểu thương ở đây có điều kiện buôn bán tốt nhất, ngoài bố trí không gian rộng, có chỗ để xe, hệ thống mái che, chiếu thì còn sắp xếp để mỗi người kinh doanh một mặt hàng khác nhau. "Việc này giúp họ hạn chế được cảnh buôn bán ế ẩm thời gian đầu", Phó chủ tịch quận nói.
Ông Bình cho biết phương án bố trí người bán hàng rong có nơi kinh doanh ổn định đang tiếp tục được UBND quận Tân Bình nghiên cứu, khảo sát địa điểm mới và có thể triển khai ở khu vực chợ Tân Bình và Bầu Cát.
Ngoài quận Tân Bình, nhiều quận huyện ở TP.HCM đang tìm cách bố trí, sắp xếp khu vực cho những người bán hàng rong. Quận 10 đang khảo sát các tuyến đường như: Tô Hiến Thành, Bắc Hải, công viên Lê Thị Riêng và một số tuyến đường có vỉa hè rộng trên 6 m để có phương án thí điểm thành các khu phố ẩm thực, phố hàng rong có quy hoạch.
Quận 8 cũng sẽ sắp xếp cho những người mua bán lấn chiếm lòng lề đường, mua bán hàng rong vào các chợ trên địa bàn. Quận 2 dự kiến sẽ chọn một khu đất khoảng 10.000 m2 gần cầu Rạch Chiếc để xây dựng chợ, bố trí người bán hàng rong vào buôn bán.
Trước đó, quận 1 đề xuất 3 khu vực thí điểm phố hàng rong gồm: đường Nguyễn Văn Chiêm (dài 40 m, dành cho 20 hộ kinh doanh từ 6 đến 9h và 11-13h ); Công viên Bách Tùng Diệp (dài 30 m, bố trí cho 15 hộ với thời gian kinh doanh từ 6 đến 9h) và đường Chu Mạnh Trinh (dài 120 m, bố trí cho 35 hộ kinh doanh).