Không tiêm vắc xin, nhiều trẻ viêm não biến chứng thần kinh nguy hiểm
Chỉ tính riêng tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đang điều trị cho 30 trẻ bị viêm não, viêm màng não.
Bệnh nhi 3 tháng tuổi mắc viêm màng não mủ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trong Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não màng não ở trẻ em, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết 30 ca bệnh nhi mắc viêm não và viêm màng não ở nhiều mức độ và lứa tuổi khác nhau nhưng đều để lại di chứng nặng nề. Hầu hết trẻ đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và biến chứng thần kinh. Có những bé không còn tỉnh táo và bắt đầu có di chứng về tinh thần, hạn chế về vận động, thậm chí là tê liệt.
Điển hình là trường hợp bé N.V.Đ (12 tuổi, ở Thanh Hoá) với biểu hiện ban đầu chỉ sốt, đau đầu. Sau 3 ngày uống thuốc hạ sốt không đỡ, bệnh nhi rơi vào tình trạng co giật, li bì được chuyển thẳng ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục ý thức, tuy nhiên, vẫn chưa thể vận động được.
Trường hợp thứ 2 là bé H.M.N. (3 tháng tuổi, ở Hải Phòng) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 4/3, sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Hải Phòng nhưng sốt cao liên tục không giảm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm màng não mủ đã biến chứng thần kinh. Sau hơn 1 tháng điều trị, đến nay tình trạng của bé N. đã tốt hơn, tuy nhiên bé vẫn tiếp tục được theo dõi.
2 gia đình bệnh nhi đều cho biết, cả 2 bé đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị; và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10 - 20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24 - 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm chỉ còn hơn 10%.
Theo PGS Điển, trong một số bệnh viêm màng não do vi khuẩn như phế cầu, Haemophilus influenza... hoàn toàn có thể phòng được bằng các loại vắc xin. Riêng bệnh viêm não Nhật Bản B đã có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, độ phủ khá tốt, tỷ lệ mắc giảm nhiều. Ở giai đoạn 1980 - 1990, mỗi mùa dịch có vài nghìn bệnh nhi nhưng hiện nay, bệnh viện chỉ còn tiếp nhận 50 - 70 trường hợp trong một năm.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm màng não, vì vậy để phòng tránh bệnh, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian.
Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Xem thêm clip: Dấu hiệu đơn giản chứng tỏ trẻ bị viêm màng não ít người biết - phụ huynh cần chú ý.