Khi những "ông lớn" rơi vào vòng lao lý

02-08-2017 16:52:25

Những cái tên như đại gia Trầm Bê, ông Trịnh Xuân Thanh... rơi vào vòng lao lý đều liên quan tới việc làm thất thoát tài sản công quỹ.

"Ông lớn" rơi vào vòng lao lý: Trầm Bê

Đại gia Trầm Bê được nhiều người biết tới với vai trò là "ông trùm" trong ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, mới đây ông vừa bị cơ quan điều tra bắt tạm giam 4 tháng vì hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

Vị đại gia này bắt đầu khởi nghiệp với vai trò Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh, khoảng 4 năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này.

Đến năm 1999, nhận thấy sự phát triển đầy tiềm năng của thị trường bất động sản, ông Trầm Bê quyết định lấn sân sang thị trường còn rất mới mẻ này. Mở đầu bằng việc đầu tư vào Công ty Cổ phần  Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) và trở thành thành viên HĐQT ngay sau đó.

Ông lớn rơi vào vòng lao lý​ với tội danh cố ý làm trái quy định pháp luật. Ảnh: Zing News

Sau khi đã trở thành đại gia bất động sản, ông mở rộng lĩnh vực sang lĩnh vực y tế. Năm 2001, ông Bê cùng với 2 người bạn là bác sĩ Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương thành lập bệnh viên Triều An, một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận là bệnh viện đa khoa chuyên sâu, đến nay đây vẫn là bệnh viện tư lớn nhất TP.HCM.

Năm 2004, ông Trầm Bê lần đầu xuất hiện trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khi ông đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và là thành viên HĐQT.

Đây cũng là thời điểm "hoàng kim" của Ngân hàng Phương Nam với mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đến 2007, SouthernBank đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng.

Sau đó, ông bắt đầu chính sách để con nắm giữ vị trí lãnh đạo và bắt đầu thâu tóm cổ phần để gia tăng quyền lực. Không dừng lại ở đó, đại gia Trầm Bê còn lên kế hoạch thâu tóm một ngân hàng thuộc top trên là  Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB).

Đại gia Trầm Bê và 15 đồng phạm ở Sacombank bị bắt. Nguồn: VTC1

Tổng tài sản nắm giữ trực tiếp của ông vào khoảng 430 tỷ đồng tới từ hơn 27,65 triệu cổ phiếu STB, và cổ phần tại BCCI. Tuy nhiên, ước tính tổng tài sản thực tế của ông có thể lên tới 2.000 tỷ đồng.

Không chỉ là Thành viên HĐQT của Bệnh viện Triều An, ông Trầm Bê còn đang đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam cùng với nhiều công ty với số vốn hàng trăm tỷ đồng như Công ty Hàm Giang, Sơn Sơn, BCCI…

Ông Hà Văn Thắm và đại án OceanBank

Ông Hà Văn Thắm là cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank. Ông sinh năm 1972 tại Bắc Giang. 

Ông bắt đầu khởi nghiệp từ rất sớm. Ông Hà Văn Thắm bắt đầu với vị trí Giám đốc của doanh nghiệp tư nhân Bình Minh, sau đó là Tổng giám đốc Công ty TNHH VNT.  Từ năm 2003 đến năm 2004 ông Hà Văn Thắm là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải hưng. Từ năm 2004 đến năm 2007 ông giữ cương vị là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải hưng. Kể từ năm 2007 đến nay ông Hà Văn Thắm đã khẳng định vị thế của mình khi trở thành một doanh nhân tài ba với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Dương.

Ông Hà Văn Thắm bị bắt vì tội chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Dân Việt

 

Dù ông Thắm chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 1,11% ở Tập đoàn Đại Dương nhưng tỷ lệ sở hữu gián tiếp qua các công ty con của ông lại khá lớn, đặc biệt là tại doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (đang nắm giữ 44,37% Ocean Group) mà ông Thắm là chủ sở hữu.

Sau 6 năm thành lập đến nay, Ocean Group đã có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 300 lần so với hồi đầu thành lập. Với hàng loạt các cuộc mua bán sáp nhập (M&A) đình đám, Ocean Group nhanh chóng vượt lên là tập đoàn đa ngành hàng đầu.

Tập đoàn Đại Dương dưới thời ông Thắm làm Chủ tịch cho đến nay kinh doanh khá đa dạng các lĩnh vực từ: Bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông. Trong đó, bất động sản được xác định là lĩnh vực kinh doanh chiến lược của tập đoàn với các dự án đầu tư lớn ở nhiều thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Quảng Ninh. Một số dự án nổi tiếng như: VNT Tower Nguyễn Trãi, StarCity Lê Văn Lương, StarCity Center…

Ông Hà Văn Thắm bị khởi tố. Nguồn: VTC1

Giới tài chính nhận định: Ông chủ Tập đoàn Đại Dương có thể là tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam trong bảng xếp hạng những người siêu giàu do Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) bình chọn.

 

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) thì ông Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng... xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) với số tiền lên đến 246 tỷ đồng.

Ông Trịnh Xuân Thanh

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Tuy nhiên, do xác định ông Thanh bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với ông này.

Ông Trịnh Xuân Thanh "biến" PVC từ doanh nghiệp có lãi thành "con nợ nghìn tỷ". Ảnh: VnExpress

Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh, PVC từ một doanh nghiệp làm ăn có lãi trở thành "con nợ nghìn tỷ" của các ngân hàng. Từ 2012 khi ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn "yên vị" ở ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị, việc kinh doanh của PVC bắt đầu sa sút. Cũng trong năm 2012, nguồn việc làm mới cho người lao động không có khiến doanh thu của doanh nghiệp này giảm nghiêm trọng.

Không chỉ thế, việc ngừng mọt số dự án trọng điểm, giãn tiến độ và đặc biệt là hàng loạt công ty con, công ty liên kết mà PVC đã rót vốn đồng loạt làm ăn thua lỗ trong năm này, đã khiến PVC lỗ gần 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012 và tăng lên gấp đôi một năm sau đó. Tổng cộng khoản tiền lỗ của PVC gần 3.300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên

Năm 2012, ông Nguyễn Đức Kiên đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.

Trong quá trình điều tra, ông Kiên còn bị cáo buộc với nhiều tội danh khác. Kết thúc quá trình xét xử, bầu Kiên bị tuyên án 30 năm tù cho 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Vietnamnet

Từ năm 2007 - 2012, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 5 Công ty: B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Tại Thiên Nam, dù không được cấp phép kinh doanh vàng nhưng bầu Kiên vẫn chỉ đạo thực hiện các giao dịch với số vàng lên tới 75.000 ounce thông qua tài khoản ACB dẫn tới lỗ tới hơn 433 tỷ đồng.

Việc kinh doanh tại công ty B&B, dù tiền lãi thu về lên đến 68,8 tỷ đồng nhưng khi quyết toán chỉ kê khai 688 triệu đồng, trốn thuế 25 tỷ đồng thông qua việc chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cho cá nhân.

Với ngân hàng ACB, khi cổ phiếu giảm mạnh, bầu Kiên cùng thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (Công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB.

Bầu Kiên và bản án 30 năm tù. Nguồn: VTC1

Từ tháng 5/2010 đến 11/2011, do ACB dư tiền tồn đọng, không có chỗ đầu tư, Nguyễn Đức Kiên cũng một số thành viên HĐQT dã chủ trương để ACB ủy thác nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác để hưởng lãi.

Ngoài ra, bầu Kiên trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo nhân viên lập khống biên bản họp và quyết định của HĐQT công ty để bán lại hơn 22 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng dù số cổ phiếu này đang được ACBI thế chấp cho ACB.

 

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //