Bác sĩ chuyên khoa tim mạch: "Khám tim phải đặt ống nghe lên ngực là điều bắt buộc"

06-09-2017 19:07:48

Liên quan đến việc nữ sinh Hải Phòng tố các bác sỹ có hành vi lạm dụng khi khám tim, các chuyên gia tim mạch khẳng định, khám tim đặt ống nghe lên ngực là bắt buộc, thậm chí phải cởi áo ra để quan sát lồng ngực.

Đoạn chia sẻ cùng hình ảnh về việc bác sĩ có hành vi khiếm nhã với học sinh. Ảnh ANTT

Theo hình ảnh chia sẻ của một nữ sinh học lớp 12 ở Hải Phòng, người mặc áo blu trắng có “thò tay” đặt ống nghe vào trong ngực bệnh nhân.

Nữ sinh này đã chia sẻ: “Em chưa thấy bác sĩ nào nghe nhịp tim giữa cả bên ngực trái và bên phải. Em không hiểu bác sĩ ấy còn ấn ống nghe ở chính giữa ngực em để làm gì? Em cảm thấy khó hiểu và uất ức.

Bác sĩ ấy không dừng lại ở đó. Có một câu nói khiến em suy nghĩ: “Em ơi, kéo rộng cái áo trong ra”. Cho em hỏi ngu một tí: “Ơ, thế tim nằm ở bên phải và được nối bằng dây áo ngực à?”.

Chưa hết, em không biết mấy anh chị Đại học Y có được dạy cái dáng ngồi banh rộng hai chân để kẹp chặt hai chân của bệnh nhân không ạ?... Không biết bác sĩ ấy khám trĩ thì thế nào và một số hành vi không thể chấp nhận được nữa. Thời gian khám của mỗi bạn phụ thuộc vào độ trắng của da và size áo ngực ạ? Em thật sự rất tức giận hành vi của vị bác sĩ mà được gọi là “lương y như từ mẫu”. Đạo đức nghề nghiệp ở đâu?”...

Được biết, chủ nhân đoạn chia sẻ này là một học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Hải Phòng.

Phóng viên Đời sống Plus có trao đổi với một số bác sĩ chuyên khoa tim mạch, tất cả các bác sĩ đều cho biết việc đặt ống nghe vào trong ngực áo để khám tim là điều đương nhiên, thậm chí, nếu khám kỹ, bệnh nhân còn cần bộc lộ (cởi bỏ áo). Việc đặt ống nghe ở giữa ngực trái và phải có thể là do bác sĩ muốn xem phổi ra sao (khám phổi thì phải nghe cả sau lưng, cả đằng trước).

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám tim miễn phí cho trẻ em nghèo. Ảnh: Thanh niên

Giải thích kỹ về điều này, BS Trần Đắc Đại, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết: Nếu là khám tim mạch chuẩn thì còn tuỳ thuộc vào khám cho người lớn hay trẻ em, người bình thường hay người mang bệnh. Nếu là bệnh nhân người lớn mà chỉ khám tim thôi thì tư thế ngồi là thích hợp.

Theo BS Đại, việc đặt ống nghe lên ngực trái là bắt buộc. Mà đấy chỉ là khám qua loa. Nếu là khám tim chuẩn cần phải: bộc lộ toàn bộ ngực để nhìn nhằm mục đích quan xát xem lồng ngực có cân đối không? Có bên nào bị lệch, bị vồng không vì nhiều bệnh nhân tim to làm cho lồng ngực mất cân đối.

Sau đó là sờ xem trên lồng ngực tiếng tim đập có bị rung không, có gì bất thường không. Tiếp đó, bác sĩ sẽ dùng tay để gõ lên thành ngực xem diện tim có to không. Cuối cùng mới là nghe.

Việc đặt ống nghe bắt buộc phải vào vị trí của các ổ van tim để khảo sát dòng máu đi qua các van tim có bình thường không, mà toàn bộ các vị trí của van tim khi chiếu ra thành ngực thì nằm toàn bộ vào vị trí vú bên trái của bệnh nhân. Do vậy việc nghe tim phải cởi áo ngực và nghe lên thành ngực 2 bên là bình thường.

BS Đại cho biết, nguyên tắc của khám tim là vậy, có điều cách khám, cách giải thích nếu không đàng hoàng, bác sĩ có thái độ không tốt thì sẽ gây ra nhiều việc hiều lầm.

Các bác sĩ cho biết, khám tim thì phải đặt ống nghe vào ngực để nghe tim, không thể nghe qua ngoài áo vì như vậy rất khó. Nhưng để tránh hiểu lầm thì khi khám cho nữ giới trẻ, tốt nhất nên để bác sĩ nữ khám.

Trường hợp là bác sĩ nam khám thì nên có thêm y tá nữa và trước khi khám có giải thích với bệnh nhân.

Chuyện bác sĩ dạng chân rồi kẹp chặt chân nữ sinh khi khám - theo các bác sĩ - là điều chưa có bằng chứng, không ai được chứng kiến. Nếu đúng vậy thì đây là tư thế không được vì không ai khám cho bệnh nhân nữ lại kẹp chặt chân bệnh nhân.

Khám phá cách bổ sung vitamin C hiệu quả nhất cho cơ thể. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN //