Hướng dẫn cách đốt bồ kết xông để khử trùng, trị nghẹt mũi tốt nhất
Đốt bồ kết để xông, khói bồ kết sẽ giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó, đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do virus.
I. Cây bồ kết là gì ?
- Tên khoa học: Fructus Gleditschiae
- Họ: vang ( Caesalpiniaceae )
- Tên gọi khác: cây chùm kết, cây tạo giác, cây tạo giáp, cây trư nha tạo giác; tên khoa học là Fructus Gleditschiae.
Là loại cây sống lâu năm, thân có gai, hạt giống hình hạt đậu nhưng có kích cỡ to hơn. Mỗi quả bồ kết có chứa khoảng 30-40 hạt. Hạt bồ kết có chứa một hàm lượng lớn dầu thực vật.
II. Công Dụng Của Cây Bồ Kết:
– Quả bồ kết (tạo giác – Fructus Gleditschiae) là quả bồ kết chín khô. Khi dùng phải bỏ hạt, dùng sống hoặc tẩm nước cho mềm, sấy khô. Có khi đốt thành than, tán bột.
– Hạt bồ kết (tạo giác tử – Semen Gleditschiae) là hạt lấy ở quả bồ kết chín đã phơi hay sấy khô.
– Gai bồ kết (tạo thích, tạo giác thích – Spina Gleditschiae) là gai hái ở thân cây bồ kết, đem về phơi hay sấy khô hoặc thái mỏng rồi phơi hay sấy khô. Chứa các hoạt chất kháng khuẩn và nấm. Nước sắc gai bồ kết có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.
Theo Đông y, bồ kết vị cay mặn, tính hơi ôn, có độc, vào 2 kinh Phế, Đại tràng. Có tác dụng thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng; làm cho hắt hơi. Dùng chữa trúng phong, cấm khẩu, tiêu thực, đờm suyễn, sáng mắt, ích tinh.
– Hạt bồ kết: trong các sách cổ nói hạt bồ kết vị cay, tính ôn, không độc. Có tác dụng thông đại tiện, bí kết, chữa mụn nhọt. Dùng liều 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc.
– Gai bồ kết: có vị cay, tính ôn không độc. Chữa ác sang, tiêu ung độc, làm thông sữa. Liều dùng 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc.
– Hiện nay, một số bệnh viện dùng bồ kết để thông khoan, chữa bí đại tiện và không trung tiện được sau khi mổ, chữa tắc ruột có kết quả, có thể dùng cho trẻ em cả người lớn, thường chỉ sau 5 phút là tháo phân ngay.
III. Cách đốt bồ kết xông hiệu quả nhất:
Phó giáo sư Phạm Khắc Kiều và tiến sĩ Bùi Thị Tho, bộ môn Dược lý trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết bồ kết và các loại hoạt chất của nó có tác dụng, chống suy giảm hô hấp, khó thở.
Việc đốt bồ kết để xông mũi khi ngạt mũi, mắc bệnh cúm là cách làm được lưu truyền từ nhiều đời nay.
Cách làm: Sử dụng 3 – 10 quả bồ kết (tùy diện tích phòng cần xông) đốt vào một cái thau đặt ở góc phòng cho khói xông lên thoang thoảng. Mùi thơm tự nhiên của bồ kết sẽ giúp mũi thông thoáng, dễ thở. Bên cạnh đó còn khiến ruồi, muỗi, gián, kiến cũng như các loại côn trùng bay ra khỏi nhà ngay lập tức.
IV. Lưu ý khi sử dụng bồ kết:
Chỉ đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt. Có thể đốt vào thời điểm buổi chiều tối hoặc trước khi đi ngủ để nhà sẽ có mùi thơm của tự nhiên.
Bồ kết và các hoạt chất của nó có tác dụng chống vi khuẩn, virus ngay trên cửa ngõ xâm nhập vào đường hô hấp. Phương pháp đốt bồ kết xông khói âm ỉ, liên tục, giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh.
Khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó, đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do virus. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết...
Bồ kết có nhiều công năng tuyệt vời nhưng nó cũng có tính độc nên các bác sĩ đông y cũng khuyến cáo không nên quá lạm dụng.