'Hot mum' Thanh Tuyền: Xót thương nỗi đau tinh thần mà phụ nữ mang thai và sau sinh hứng chịu

22-07-2018 20:00:28

"Nhưng tôi thiên về cảm xúc xót thương cho họ nhiều hơn. Chắc hẳn họ phải khổ sở lắm, tuyệt vọng lắm mới đi đến cái quyết định tồi tệ đó", bà mẹ 1 con chia sẻ.


Xót thương cho những nỗi đau mà phụ nữ sau sinh hứng chịu. Ảnh minh họa

Vừa qua, những cái chết thương tâm từ vụ thai phụ 7 tháng nhảy cầu tự vẫn hay mẹ sát hại con ruột nghi do trầm cảm… đã khiến dư luận thực sự bàng hoàng và xót xa.

Bên cạnh những suy nghĩ cảm thương thì còn rất nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề người mẹ đã ích kỷ và tàn nhẫn khi cướp đi cuộc sống của đứa con mình đứt ruột sinh ra. Thế nhưng, không phải ai cũng thấu hiểu được những nỗi đau dằng xé về tinh thần mà họ phải chịu đựng.

Là một người nổi tiếng trên mạng xã hội với những bản nhạc chế cực chất, đồng thời là “hot mum” của cậu con trai hơn 3 tuổi, Đặng Thanh Tuyền đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này.

- Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ thai phụ tự tử hoặc mẹ sát hại chính con ruột của mình khiến dư luận bàng hoàng. Cảm nhận của chị thế nào khi tiếp nhận những tin tức như này?

Khi đọc báo thấy những thông tin như vậy, thực sự là lúc đầu tôi không dám click vào để xem, vì sợ rằng mình sẽ bị ám ảnh và hoang mang. Nhưng rồi, liên tiếp có những vụ việc đau lòng, cuối cùng tôi cũng đành phải vào đọc, để xem các thông tin từ các hướng, từ người nhà, người thân về bi kịch của họ. Cảm xúc đầu tiên đó là vô cùng đau lòng và thương cảm.

- Những vụ việc trên thường gây rúng động dư luận, bên cạnh những suy nghĩ cảm thương thì còn rất nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề người mẹ. Bạn nghĩ sao về điều này?

Xét về góc độ nào đó, thì đúng là lựa chọn ấy quá tệ. Những đứa trẻ có quyền được sống, chúng không có tội tình gì để chịu chung kết cục bi thương cùng với người lớn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, trong một tâm trạng tận cùng của tồi tệ, có lẽ họ không còn chút tỉnh táo nào để nghĩ đến đúng, sai, được, mất.

Trong một trạng thái trầm cảm kéo dài, những suy nghĩ của họ đã không còn bình thường nữa, và bởi vậy, họ vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương. Nhưng tôi thiên về cảm xúc xót thương cho họ nhiều hơn. Chắc hẳn họ phải khổ sở lắm, tuyệt vọng lắm mới đi đến cái quyết định tồi tệ đó.


'Hot mum' Đặng Thanh Tuyền. Ảnh FBNV

- Là một người phụ nữ, từng trải qua thời gian mang thai và sinh con vất vả đến nhường nào, bản thân chị có bao giờ đối mặt với những mệt mỏi, căng thẳng mà cảm giác không thể tự vượt qua được không?

Bản thân tôi, là một người phụ nữ đã làm mẹ và tôi nghĩ ai đã từng làm mẹ sẽ một phần đồng cảm. Thời gian mang thai và sinh con là những điều hoàn toàn mới mẻ mà người phụ nữ buộc phải thích nghi. Nếu là một người được chuẩn bị kĩ về tâm lý cộng với sự chia sẻ giúp đỡ của gia đình thì việc vượt qua sẽ dễ dàng hơn.

Ngược lại, có những người hoàn toàn bị động và gần như phải một mình đối mặt, chắc chắn sẽ shock và đó là quãng thời gian cực kì khó khăn.

Nhớ lại lúc mang thai, tôi may mắn không bị nghén, tuy nhiên sự thay đổi tâm sinh lý cũng khiến mêt mỏi và stress. Khi mang thai tôi vẫn đi làm nên khó tránh khỏi những vất vả và căng thẳng. Khi sinh con cũng có khá nhiều bỡ ngỡ nhưng may mắn được ông xã hiểu và giúp đỡ chăm con nên tôi cũng được chia sẻ.

Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy mệt mỏi đó là đêm, cứ cách 2 tiếng lại phải dậy cho con bú, giấc ngủ không liền mạch nên có bị stress. Nhưng sau 1 tháng đầu thì mọi thứ cũng quen dần.

- Để người phụ nữ rơi vào trạng thái tinh thần tệ hại nhất, theo chị, những người trong gia đình đặc biệt là người chồng nên làm những gì?

Tôi nghĩ rằng đã là vợ chồng thì quan trọng nhất là phải chia sẻ được với nhau. Chia sẻ với nhau về công việc, về tâm sự, suy nghĩ. Bởi có như vậy thì những điều khó khăn của cuộc sống mới được giải toả và lâu dần không bị tích tụ lại thành bế tắc.

Trong lúc người phụ nữ trải qua thời kì khó khăn như mang thai, sinh con, người chồng cũng phải là người chuẩn bị tâm lý cho vợ và cho mình. Cần phải biết những thay đổi và mong muốn của vợ để kịp thời chia sẻ và giúp đỡ.

Tôi tin rằng, những trường hợp đa lòng kia sẽ không xảy ra nếu như người vợ đó nhận được sự quan tâm, chia sẻ đúng mực của chồng và những người thân. Đôi khi chỉ là sự lắng nghe và thông cảm. Khi nhận ra người vợ có những suy nghĩ tiêu cực, cần phải thực sự gần gũi, chuyện trò và có những biện pháp giải toả tâm lý, tránh những hậu quả tiêu cực.

T.N
Theo Đời sống Plus/GĐVN //