Học sinh thích thú môn Lịch sử phụ thuộc nhiều vào cách truyền đạt của giáo viên
Học lịch sử giúp học sinh hiểu biết tường tận cội nguồn đất nước, thêm tự hào truyền thống dân tộc, trân trọng những gì đang có hôm nay... Để làm được điều đó vai trò người thầy vô cùng quan trọng.
Ứng dụng CNTT vào dạy học lịch sử để tăng cường hiệu quả.
Thực tế từ dạy học
Không thể phủ nhận thực tế vẫn còn những học sinh chưa yêu thích các tiết học lịch sử. Các em coi đây là môn học thuộc với những mảng kiến thức dài dằng dặc, học mãi không thuộc.
Vì vậy, theo cô Phạm Thu Trang Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội), giờ Sử ở nhiều lớp học vẫn diễn ra tẻ ngắt, cô giảng, trò ghi chép một vài ý chính rồi về nhà mở sách ra học thuộc nhưng vẫn không hiệu quả. Cách học này của học sinh dẫn đến nhiều câu chuyện buồn trong các kỳ thi như học sinh xuyên tạc lịch sử, nhầm lẫn các sự kiện một cách tai hại. Báo động về số bài thi Lịch sử điểm thấp ở các kỳ thi tốt nghiệp, đại học…
Cô Nguyễn Thị Tâm giáo viên môn Lịch sử, Trường THTP chuyên Lào Cai (Lào Cai) cũng chia sẻ: Học lịch sử thì đa số học sinh đều hào hứng nhưng nếu để chọn là môn thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp… thì chỉ học sinh theo khối C, D còn lại sẽ “né” tránh.
Thậm chí, với nhiều học sinh khối D nếu được chọn thi giữa Lịch sử với Địa lý hoặc Giáo dục công dân (GDCD) các em cũng không chọn Lịch sử, bởi thi Sử khó hơn các môn xã hội khác.
Lý giải nguyên nhân học sinh hứng thú học Sử nhưng lại “ngại” thi Sử, cô Tâm cho rằng xét tương quan giữa 3 môn Sử, Địa, GDCD thì Địa có ưu thế học sinh có thể kiếm được 3 điểm phần Atlat dễ dàng, không sợ bị điểm liệt. GDCD có nhiều câu vận dụng kiến thức thực tế nên học sinh cũng dễ kiếm điểm và tình trạng bị điểm liệt cũng ít. Trong khi đó, môn Lịch sử nội dung kiến thức ôn tập có thể bằng môn Địa, GDCD nhưng không có được ưu thế dễ kiếm điểm như 2 môn Địa, GDCD...
Cũng đồng quan điểm về vấn đề học sinh hứng thú học Sử nhưng ngại thi Sử, cô Lê Thị Linh, nhóm trưởng Sử-Địa, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) còn chỉ thêm một trong những “rào cản” để học sinh chưa “mặn mà” với học Lịch sử chính từ suy nghĩ của phụ huynh về môn học khi cho rằng Toán, Văn, Ngoại ngữ mới là môn chính, phục vụ thi cử và đầu tư cho học. Lịch sử và các môn khác là môn phụ nên không khuyến khích con học, áp đặt tư tưởng môn chính môn phụ. Ngay cả khi con được lựa chọn đi thi học sinh giỏi môn Sử cũng không ủng hộ, thậm chí khoái thác để không cho tham gia.
Học lịch sử tại Bảo tàng
Để học sinh hứng thú
Để học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, khơi dậy sự say mê hứng thú với môn học của học sinh đối đòi hỏi vai trò không nhỏ từ giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đây cũng là đòi hỏi thực tế để nâng cao chất lượng giờ dạy lịch sử, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong quá trình đổi mới giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên môn Lịch sử Trường THTP chuyên Lào Cai chia sẻ: Trường đã tích cực trong đổi mới trong dạy học môn lịch sử. Trước hết, do được tự chủ về chương trình nên đối với học sinh các lớp 12 thi môn Lịch sử, giáo viên sẽ dạy hoặc mở rộng những nội dung gắn liền với đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa.
Nhưng đối với học sinh các lớp Toán, Lý, Hóa của các khối 10, 11, 12 thì chỉ dạy nội dung cơ bản, không quá chú trọng những đơn vị kiến thức. Trên cơ sở những nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan, giáo viên có thể kể những câu chuyện, thông tin bên lề để các em hiểu và hứng thú hơn khi học.
Mặt khác, trong các tiết dạy sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép tích hợp các tư liệu, phim ảnh, âm thanh… để học sinh không chỉ cảm nhận bài học qua lời giảng mà còn được xem và thu thập kiến thức qua hình ảnh, tư liệu…
Cô Tâm cũng cho biết, dạy học Lịch sử với những lớp học không chuyên cũng áp dụng “giao việc” cho học trò nhưng không quá nặng nề. Nhóm 2-3 học sinh có thể tìm hiểu về một vấn đề sau đó trình bày những vấn đề tìm hiểu được. Những học sinh khác sẽ đặt câu hỏi cho nhóm học sinh được giao tìm hiểu và thuyết trình để cùng thảo luận và tìm ra câu trả lời… Giáo viên chỉ trình bày những nội dung cứng chứ không đóng vai trò chính của việc tìm hiểu kiến thức.
Đổi mới phương pháp cũng đi liền với đổi mới kiểm tra đánh giá. Giáo viên có thể cho điểm học sinh từ quá trình tìm hiểu và thuyết trình thay cho kiểm tra bài cũ. Thậm chí, với học sinh đặt ra câu hỏi hay hoặc có lý giải tốt trong quá trình học tập cũng được cho điểm thay cho bài kiểm tra.
Học sinh hóa thân vào nhân vật lịch sử
Các nội dung, vấn đề để kiểm tra đánh giá sẽ trọng tâm chứ không dàn trải hoặc đặt ra những vấn đề quá lớn giúp học sinh dễ học và nắm sâu kiến thức.
Cô Lê Thị Linh, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng khẳng định: Học sinh về cơ bản thích học lịch sử, nhưng để các em hiểu sâu và hứng thú với môn học phụ thuộc nhiều vào phương pháp truyền đạt của giáo viên.
Theo cô Linh, để có giờ học sinh động, bản thân giáo viên phải chấp nhận “vất vả” hơn, đầu tư chuyên môn, giáo án, bỏ công sức để sưu tầm tư liệu, thông tin, hình ảnh… đưa vào bài giảng tạo sự mới mẻ, thu hút.
Đặc biệt, dạy học lịch sử nhưng giáo viên cần gắn với thực tế người học. Như vậy, học sinh sẽ thấy những bài học trong lịch sử có giá trị hiện thực cho tới hôm nay chứ không phải là những lời nói suông, hay rao giảng đạo đức…
Cô Linh cũng cho rằng đổi mới dạy học lịch sử để học sinh hứng thú phải đổi mới cả phương pháp giảng dạy lẫn kiểm tra đánh giá. Nếu trước đây dạy học và kiểm tra nặng nề về sự kiện, dữ liệu khiến học sinh nhàm chán, sợ học thì hiện nay các bài kiểm tra đánh giá cần hướng tới dạy học sinh biết đánh giá, suy luận, nhìn nhận sự kiện lịch sử...
Ví như, với nhân vật lịch sử A có thể đặt câu hỏi em có thích nhân vật không? vì sao? từ đó học sinh sẽ nhìn nhận kiến giải theo hiểu biết, suy nghĩ của mình. Tuyệt nhiên không nên áp đặt học sinh phải thích nhân vật này theo cách diễn giải của sách vở hay của giáo viên. Kiểm tra đánh giá cũng cần làm sao để học sinh được bày tỏ ý kiến, phát huy được phẩm chất năng lực của bản thân.
Sẽ khó đạt được mong muốn tạo sự hứng cho học sinh khi học Lịch sử nếu giáo viên chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy mà kiểm tra đánh giá vẫn đi theo “lối mòn” truyền thống và ngược lại.
Thực tế nhiều học sinh từ không ham thích học môn Lịch sử nhưng khi được tiếp cận với phương pháp dạy học sinh động, cách kiểm tra đánh giá đổi mới… đã cảm nhận được cái hay của môn học, từ đó đam mê và gắn liền với môn học trong cả chọn trường, chọn nghề. Như vậy, vai trò của người thầy trong dạy học Lịch sử vô cùng quan trọng và nhất thiết phải đổi mới. - cô Lê Thị Linh |