Học sinh miền Tây bình yên qua những mùa lũ
Năm 2022, mùa lũ kết hợp với triều cường làm nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập sâu.
Học sinh vùng lũ huyện An Phú (An Giang) được đưa rước đến trường. Ảnh: T. Nhân
Trước diễn biến đó, các địa phương tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho thầy trò vùng rốn lũ.
An toàn cho học sinh vùng thượng nguồn
Năm 2022, mực nước lũ ở ĐBSCL cao hơn năm 2021, được xem là mùa lũ đẹp, mang theo phù sa, thau rửa đồng ruộng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân đầu nguồn với những mô hình sinh kế mùa lũ. Tuy nhiên, tại vùng hạ lưu, nước lũ kết hợp triều cường gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo lũ trên sông Mekong kết hợp triều cường khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng dâng cao nhất trong 4 năm qua, nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.
Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn dự báo ở mức báo động cấp I - II, cụ thể là mực nước lũ tại trạm Tân Châu (An Giang) đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 10 năm 2022 với mực nước đỉnh lũ có khả năng sẽ nằm trong khoảng giữa báo động cấp I và cấp II. Vì vậy, đỉnh lũ khu vực nội đồng Tháp Mười ở mức báo động cấp I - II.
Trước diễn biến của nước lũ và triều cường, các địa phương lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh và việc dạy, học. Từ đầu tháng 10, lũ đầu nguồn dâng cao, nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập, thầy, cô giáo ở An Giang ra sức hỗ trợ học sinh đến trường.
Tại An Phú, huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, nước lũ dâng cao đã gây ngập và chia cắt nhiều tuyến đường nông thôn ở một số xã trong huyện. Theo ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, hằng năm, Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT chủ động phối hợp các ban, ngành lập các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong mùa lũ.
Năm nay, ngành Giáo dục huyện An Phú đã chủ động phối hợp với các xã bị ảnh hưởng tổ chức đưa rước học sinh đi học hàng ngày. Năm học 2022 - 2023, An Giang có hơn 350.000 học sinh các cấp đến trường; vùng “rốn lũ” An Phú có hàng trăm học sinh phải dùng phương tiện thủy đi học. Ngoài các tổ chức, đoàn thể, nhiều bến đò trên địa bàn huyện An Phú và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang cũng tổ chức đưa đón miễn phí.
Trao đổi về công tác đảm bảo cho học sinh vùng lũ, ông Võ Hoàng Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú, cho biết: Toàn huyện có 163 học sinh ở các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu cần được đưa rước đi học trong những ngày nước lũ lên cao. Phòng đã chỉ đạo các trường phối hợp cùng chính quyền địa phương và các mạnh thường quân tổ chức đưa học sinh đến trường.
Nước lũ đầu nguồn tỉnh An Giang gây ngập sâu vùng nội đồng.
Cùng với thầy, cô giáo, các lực lượng quân sự, dân quân tự vệ ở huyện An Phú dùng vỏ lãi đưa rước học sinh tại các xã vùng đầu nguồn biên giới từ nhà đến trường. Thầy Hà Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), cho biết: Hằng năm khi nước lũ về có một số đoạn đường liên ấp bị ngập, làm ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh.
Nhà trường thống kê số học sinh cần được đưa rước, báo với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ. “Hiện nay, trường có 18 lớp với 467 học sinh. Trong đó, có 64 học sinh ở 3 tuyến đường liên ấp có đoạn bị ngập được đưa rước đi học hàng ngày. Nhờ vậy, suốt trong những ngày qua không có học sinh nào của trường phải nghỉ học do nước lũ và triều cường”, thầy Phương cho biết.
Nhà nằm trong vùng lũ xã Vĩnh Hội Đông, chị Lê Kiều Oanh có con đang học lớp 5 được đưa rước hằng ngày cho biết: “Những ngày qua, nước lũ đầu nguồn lên nhanh, gây chia cắt nhiều tuyến đường nông thôn nên phụ huynh rất lo lắng khi con em đến trường.
Nắm bắt được nỗi lo, chính quyền địa phương của huyện đã tổ chức nhiều chuyến đò đưa rước giáo viên, học sinh đến trường hàng ngày. Các bến đò trên địa bàn còn vận chuyển miễn phí cho hơn 100 lượt học sinh qua sông để đến trường an toàn”.
Việc đưa rước học sinh đến trường trong mùa lũ ở huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) đã được duy trì từ nhiều năm nay. Em Trần Thúy Vy, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Con và các bạn cảm thấy rất vui khi được các chú bên xã đội đưa rước đi học mỗi ngày. Con cảm ơn các chú nhiều lắm. Con hứa sẽ quyết tâm học tốt hơn”.
Ngoài việc tổ chức đưa đón các em học sinh đến trường khi các tuyến đường dân sinh bị ngập, UBND huyện An Phú còn chủ động lập kế hoạch bố trí các điểm giữ trẻ miễn phí mùa lũ. Dự báo, lũ còn kéo dài đến giữa tháng 11 tới, Chủ tịch UBND huyện An Phú yêu cầu Phòng GD&ĐT tiếp tục rà soát ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ bị lũ chia cắt. Đồng thời, phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy Quân sự các xã và nhà trường chủ động các phương án đưa, đón học sinh và giáo viên đến trường bằng phương tiện an toàn, thuận lợi nhất.
Nước lũ kết hợp triều cường làm nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ ngập sâu.
Hạ nguồn chủ động ứng phó với triều cường
Do ảnh hưởng mực nước lũ dâng cao kết hợp với triều cường, từ đầu tháng 10 nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ bị ngập sâu trong nước. Một số điểm trường cũng bị nước dâng vào sân, phòng lớp học. Để đảm bảo an toàn, thành phố cho học sinh nghỉ học những ngày nước ngập sâu, đồng thời điều chỉnh giờ học, giờ tan trường.
Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT quận, huyện, các cơ sở giáo dục khẩn trương triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với triều cường năm 2022.
Theo đó, Sở chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa, lũ, triều cường, nhất là các quận, huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ... và các địa bàn từng xảy ra ngập sâu ở các năm trước.
Các đơn vị hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo cha mẹ học sinh chủ động đưa đón trẻ trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà; chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học của đơn vị (điều chỉnh giờ đến trường, giờ ra về; các hoạt động giáo dục...) phù hợp với điều kiện mưa, lũ trên địa bàn.
“Triều cường dâng cao làm ngập sân trường, tràn vào các lớp học. Để ứng phó, vào lúc sáng sớm toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường phải đến sớm canh khi thủy triều vừa rút xuống để vệ sinh lớp học. Thời điểm nước dâng cao trường không tổ chức sinh hoạt dưới cờ, học sinh sẽ vào trễ hơn so với hằng ngày; học sinh khối chiều sẽ ra về sớm hơn để tránh triều cường”, cô Lâm Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết.
Triều cường dâng cao làm ngập phòng học quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).
Các trường thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”; tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, kịp thời phát hiện và có biện pháp gia cố, sửa chữa, di dời trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy đến nơi an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ, triều cường gây ra.
Trao đổi về việc ứng phó với triều cường, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho biết: Phòng chỉ đạo các trường trên địa bàn quận, đặc biệt lưu ý những cơ sở giáo dục nằm trong vùng trũng, điểm nóng của triều cường, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong đó chỉ đạo các trường bố trí linh hoạt các tiết học, tránh triều cường lúc đến và rời khỏi trường…
Các trường tổ chức rà soát, thống kê tình hình thực tế cán bộ trường để phân công bố trí giáo viên, nhân viên điều dưỡng phù hợp kịp thời đón, nhận học sinh. Các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cây xanh, thông cống rãnh... bố trí nhân viên bảo vệ trực cổng trường lúc học sinh đến và về, đảm bảo an toàn cho phụ huynh và học sinh.