Học sinh đi học trở lại, tổ chức bán trú ra sao?

18-02-2022 10:45:57

Tình hình học bán trú của học sinh sau khi đi học lại tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các phụ huynh.

Bộ GDĐT đã có những chỉ đạo ráo riết cho việc đi học trở lại, cụ thể như sau: 100% các ĐH, CĐ lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2/2022. Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 14/2/2022.

Sau khi học sinh đi học, việc tổ chức học bán trú tại các trường học được phụ huynh quan tâm. Theo VietNamnet, báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 16/2, cho biết đã có 54/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Chín tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.

Theo nguồn tin trên Thanh Niên, ngày 17/2, ông Nguyễn Minh Luân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký văn bản về việc test nhanh Covid-19 cho học sinh và tổ chức học bán trú. Cụ thể, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện về việc test nhanh Covid-19 cho học sinh và tổ chức học bán trú.

Đối với việc học bán trú, các trường mầm non, tiểu học nếu đủ điều kiện và phụ huynh học sinh có nguyện vọng cho con em học bán trú, giao hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định việc tổ chức học bán trú, trong đó lưu ý đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

Ảnh minh họa (Thanh Niên).

Trước đó, tỉnh Cà Mau tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Đến ngày 14/2, tỉnh này cũng đã tổ chức triển khai thực hiện tổ chức dạy và học trực tiếp đối với giáo dục mầm non và tiểu học.

Trong khi đó tại TP.HCM, tại buổi họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế chiều 17/2, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng học bán trú rất đặc thù, trong thời gian ngắn phục vụ số học sinh đông và phải đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch của ngành y tế nên nhiều trường học chưa thể thực hiện ngay. 

Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã tổ chức hướng dẫn chuyên sâu về tổ chức căn tin, học bán trú an toàn cho các đơn vị. Tuy nhiên, thực tế có cơ sở chưa thể thực hiện ngay các hoạt động này do gặp khó khăn về điều kiện về cơ sở vật chất, quy mô học sinh trong những tuần đầu. Hiện một số cơ sở đang chuẩn bị để mở lại các hoạt động này.

Theo Vnexpress, một số trường ở TP.HCM thận trọng, chưa tổ chức bán trú khi chưa đủ khả năng đáp ứng các điều kiện phòng dịch. Tại TP.HCM, nhiều  trường dự kiến mở bán trú, dạy hai buổi một ngày và tổ chức một số hoạt động ngoại khoá. Đảm bảo giãn cách, an toàn khi tổ chức bán trú là vấn đề được các trường mầm non, tiểu học chú trọng nhất bởi học sinh còn nhỏ, ý thức bảo vệ bản thân chưa cao. 

Ngày 9/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các trường học tổ chức đồng bộ hoạt động khi trẻ học trở lại. Theo ông Sơn, học sinh đến trường một buổi hay cả ngày không khác nhau nhiều về phòng dịch nên cần tổ chức bán trú ở những nơi có điều kiện.

Tại Hà Nội, trao đổi trên Lao động về vấn đề học sinh học bán trú, ThS. BS Thiều Thị Tuyết Nhung - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho rằng, việc nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội mở cửa trường học nhưng không tổ chức ăn bán trú cho học sinh đã gây ra nhiều bất cập.

Trước thực trạng một số cơ sở giáo dục bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đề nghị với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. Bởi theo ý kiến của chuyên gia y tế, nguy cơ lây nhiễm khi học một buổi hay cả ngày cơ bản không khác nhau.

Liên quan đến vấn đề tổ chức bán trú cho học sinh, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội bày tỏ, Sở GDĐT thấu hiểu những khó khăn, bất tiện của phụ huynh trong tuần đầu cho con trở lại trường, đặc biệt là nguyện vọng mở cửa bán trú trở lại.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở GDĐT sẽ tính toán kỹ lưỡng các phương án và sớm có lộ trình đề xuất lên UBND thành phố về việc cho phép các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, học sinh đến trường trong điều kiện bình thường mới. 

Việc tổ chức học bán trú cho trẻ được phụ huynh quan tâm. Ảnh minh họa. 

Theo VietNamNet, Bộ GDĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn. Quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.

Cùng đó, đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vắc xin; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để Bộ GD-ĐT và các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi, căng thẳng, dẫn đến chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú đề nghị chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú.

Tuệ Nhi
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //