Hành trình chiến thắng bệnh hiểm nghèo của nữ nhà báo và câu chuyện ung thư không phải là chấm hết

20-04-2018 07:00:57

Tâm niệm sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là sống thế nào với động lực không muốn con phải tìm mẹ trên bầu trời, nhà báo Cẩm Bào không chỉ chiến thắng ung thư mà còn là nguồn sáng cho đồng bệnh vượt lên số phận.

Hà Nội mưa tầm tã không ngăn nổi bước chân tôi đi tìm "bí mật" cuộc hành trình chiến thắng ung thư của nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào. Đón tôi bằng một nụ cười thật tươi cùng giọng nói ấm áp đậm chất Huế với dáng đi nhanh nhẹn, hiếm ai nghĩ rằng, chị từng bị ung thư vú di căn sang xương, thậm chí đứng trước ranh giới của sự sống- cái chết và nằm liệt suốt 5 tháng ròng trong đau đớn.

Giành lại sự sống từ lưỡi hái tử thần, dần đi lại được trên đôi chân của chính mình, góp mặt trong những chuyến thiện nguyện... nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào như một chiến binh dũng cảm trên cuộc chiến ung thư đầy khốc liệt và trở thành người truyền lửa với khát khao sống mãnh liệt và nghị lực phi thường mà không phải  ai cũng có thể làm được.

Nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào là một câu chuyện truyền niềm tin và sức mạnh cho những người ung thư chiến đấu với căn bệnh của mình.

Vết hồng trên da báo hiệu biến cố "nghiêng trời lệch đất"

Nói về biến cố "nghiêng trời lệch đất" trong cuộc đời của mình, nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào nhớ lại, chị có 21 năm làm báo và từng là một cây viết xuất sắc tại Tạp chí Tri thức và công nghệ Cuộc sống hạnh phúc đủ đầy bên chồng và cô con gái nhỏ xinh xắn cùng sự yêu mến của đồng nghiệp và độc giả khắp nơi có lẽ sẽ yên bình trôi qua như thế, nếu không có cái ngày định mệnh đó.

Đó là một ngày cuối năm 2012, khi đang tắm chị chợt thấy ngực phải có một vết hồng. Nghĩ do mình tắm nước ấm, kỳ cọ kỹ nên chị không chú ý lắm. Nhưng suốt mấy ngày, vết hồng ấy không hề mất đi. Khi đó, chị hiểu rằng, đó có thể là một dấu hiệu không bình thường của cơ thể.

Ngay sau đó, chị đi khám khắp nơi từ phụ khoa đến chuyên sâu và nhận về một kết quả mà nhiều người ví nó giống như một bản án "tử hình": ung thư vú giai đoạn 2 có 10/20 hạt di căn và thể bộ 3 âm tính. 

"Không phải chỉ bản thân tôi mà tất cả mọi người khi biết tin đều bàng hoàng lo lắng. Nhưng khi bình tâm lại, tôi nghĩ với sự phát triển của y học hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm thì việc khống chế bệnh có hiệu quả rất cao. Tôi tin tưởng vào y học nên ngay lập tức nhập viện, tuân thủ phác đồ điều trị, tuân thủ lời khuyên của bác sĩ từ những ngày đầu điều trị cho tới giờ", chị Cẩm Bào nói.

Xem thêm: Chà xát các ngon tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu.

Với niềm tin và khát khao sống mãnh liệt, chị từng bước đối mặt với hành trình chữa bệnh đầy gian nan.

"Ngày 03/01/2013, tôi được cắt bỏ hoàn toàn vú phải, truyền 6 đợt hóa chất và trị xạ 25 mũi theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Ngày 19/07/2013, tôi kết thúc quá trình điều trị và bệnh ổn định trong 3 năm .

Đến tháng 2/2016, trong một lần tái khám thì chỉ số CA153 của tôi vượt quá mức quy định, bác sĩ cho nhập viện, tiến hành chụp chiếu và làm các xét nghiệm chuyên sâu, kết luận bị di căn xương chậu phải, tiếp tục điều trị hóa chất, 5 tháng nằm liệt giường, cho đến giờ là 52 đợt truyền. Hiện tại tôi vẫn đang điều trị tích cực"- chị Cẩm Bào kể lại.

Là một người sống văn minh và khoa học, chị Cẩm Bào luôn tuân thủ việc thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để ung thư không tiến triển, không di căn được nữa.

"Quá trình điều trị ung thư rất nan giải. Tôi luôn cố gắng xem bệnh viện là nhà. Bởi chỉ có ngôi nhà ung bướu trên các tỉnh thành cả nước và bệnh viện ung bướu chuyên khoa mới có thể mang lại nụ cười cho mình và những người thân".

Luôn lạc quan là "thần chú" giúp chị vượt lên nỗi đau bệnh tật.

Không giống với những người khác, chị Cẩm Bào không tham gia vào bất kỳ hội, nhóm trên mạng xã hội Bởi theo chị, ở đó có những thông tin không chính thống, không có căn cứ khoa học. Mọi thắc mắc chị trực tiếp hỏi bác sĩ điều trị của mình.

Thừa hưởng một lối sống lạc quan của gia đình từ nhỏ nên khi bị bệnh, chị cũng nhìn cuộc đời một cách lạc quan, rộng mở hơn. Chị chia sẻ: "Cha mẹ dạy tôi từ bé rằng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo. Giống như dòng sông, nếu mình gặp khúc đục, thì mình phải tìm ra một lối rẽ. Ngay cả khi chưa bị bệnh, trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn xem lời dạy của cha mẹ như một tiêu chí để tôi hướng đến, sống, làm việc và như bây giờ là đối diện với bệnh tật".

Chị cũng cho biết thêm, với chị, bí quyết để sống vui, sống khỏe, sống có ích với căn bệnh ung thư của mình vô cùng đơn giản. “Tôi luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, dũng cảm và áp dụng bí quyết sống khỏe 4T: Là Tinh thần, thể thao Thuốc và Thực phẩm giàu dinh dưỡng".

Không chỉ với bản thân mình, mà chị còn gửi thông điệp cho cộng đồng bệnh nhân ung thư, những người cùng chung nỗi đau với chị. "Trong cuộc sống có rất nhiều màu sắc, vậy nên mình chỉ chọn những màu sắc nào tươi sáng thôi. Sự sống là do người bệnh quyết định, do vậy tôi luôn nhìn cuộc sống một cách tích cực".

Không muốn mỗi chiều về "Con phải tìm mẹ trên bầu trời"

Sau khi di căn xương, chị phải nằm liệt giường và rất đau đớn. Nhưng ngoài sự quyết tâm, niềm tin và hy vọng vào một điều kỳ diệu có thể đến, nữ nhà báo Cẩm Bào còn có một "vũ khí bí mật" giúp chị vượt lên tất cả. Đó là âm nhạc.

"Tôi dùng lời ca tiếng hát để xoa dịu nỗi đau và thực sự điều kỳ diệu đã đến. Sau 5 tháng tôi đã bước ra khỏi chiếc xe lăn trong niềm vui hạnh phúc, nước mắt vỡ òa của tập thể ý bác sĩ Khoa Nội I, Bệnh viện ung bướu Hà Nội và đồng bệnh nhân của tôi"

Qua đó, chị cũng gửi một thông điệp vô cùng đẹp và ý nghĩa đến các đồng bệnh của mình: "Ung thư không tuyệt vọng, hãy bỏ lại nỗi buồn sau lưng, nhìn về phía trước, ở đấy có ngôi nhà mơ ước ngập tràn hoa hướng dương và ánh mặt trời!".


Dùng lời ca tiếng hát  để xoa dịu nỗi đau.

Với nhiều phụ nữ, con cái chính là nguồn sống, nguồn động lực và là tài sản vô giá không gì có thể thay thế được trong cuộc đời họ. Chị Cẩm Bào cũng là người như vậy. Với chị, trong những tháng ngày đau đớn trên giường bệnh, cô con gái xinh xắn, bé nhỏ là một điểm tựa, sức đẩy không chỉ lớn mà còn rất thiêng liêng với chị trong cuộc chiến này. 

Con gái là một trong những động lực giúp chị cố gắng điều trị căn bệnh của mình.

"Ngày tôi bị bệnh, cháu mới lên 5, giờ đây cháu đã được 10 tuổi. Cháu nói rằng con mong sao mỗi khi chiều về không phải tìm mẹ trên bầu trời. Đó là một trong những động lực giúp tôi cố gắng điều trị", chị Cẩm Bào rưng rưng kể lại.

Không chỉ vậy, trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư của mình, đồng hành cùng chị không chỉ là cô con gái nhỏ bé mà còn có bờ vai vững chãi của người chồng "điểm 10" rất mực tâm lý. Có lẽ,  những gian nan và thử thách càng khiến họ trở nên mạnh mẽ, yêu thương và trân quý nhau hơn .

''Tôi rất may mắn vì có một người chồng thực sự thương yêu, kề vai sát cánh. Không nói nhiều nhưng chồng tôi luôn song hành cùng tôi suốt 5 năm qua.

Anh thay tôi chăm sóc con gái, quán xuyến việc gia đình. Cùng tôi trên bước đường thiện nguyện. Điều đó góp phần tạo nên sức mạnh để tôi tiếp tục làm công việc thiện nguyện của mình. Chúng tôi sống hạnh phúc, chia sẻ với nhau mọi thứ". 

Sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là sống như thế nào

Từ tuổi thơ, chị đã được dạy rằng, thiện nguyện là một trong những việc tốt để mình tu tâm rèn chí. Chính vì vậy, với trái tim nhân ái, chị đã rong ruổi suốt 18 năm qua để đi thực hiện một ước mơ được xây lên từ tuổi thơ ấy là "làm thiện nguyện, làm người tốt". Nhất là mới đây, khi vừa trải qua một biến cố không hề nhỏ của cuộc đời, chị càng thêm hiểu được nỗi đau, khó khăn của người bệnh.

Chị tâm nguyện rằng: "Thời gian còn lại một ngày tôi sống, tôi sẽ đầu tư vào việc giúp đỡ cộng đồng bệnh nhân ung thư để xoa dịu bớt nỗi đau trong họ".

Ung thư không phải là dấu chấm hết

Từ trái tim ấy, chị đã xây dựng được các chương trình vô cùng ý nghĩa và thiết thực: "Thư viện tóc, góc cười cuộc sống"  với hơn 50 bộ tóc thật được các nhà hảo tâm trên khắp muôn phương gửi tới nhằm giúp các bệnh nhân có tự tin và xinh đẹp hơn ngay cả khi có bệnh hiểm nghèo.  Hay "Trao xe lăn, nhận nụ cười" với hơn 95 chiếc xe lăn được trao cho 7 bệnh viện, 17 chiếc xe dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn ; " Hoa ưu đàm ", rồi " Mùa đông không lạnh " và nhiều chương trình khác nữa. 

Thậm chí, hành trình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo cùng lối sống đẹp, tình yêu trọn vẹn với đời của chị cũng chính là một câu chuyện tiếp thêm sức mạnh, truyền lửa cho những bệnh nhân ung thư, cũng như toàn xã hội rằng nếu ta có niềm tin, niềm hy vọng, suy nghĩ tích cực thì ung thư không phải là một dấu chấm hết.

Tô Như Dương
Theo Đời sống Plus/GĐVN //