Hàng trăm phụ nữ Hà Nam được sàng lọc ung thư vú miễn phí
Vừa qua Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đã tổ chức chương trình “Khám sàng lọc, tư vấn ung thư vú” cho trên 300 phụ nữ của 2 xã Liên Tuyền - Phủ Lý và Văn Lý - Lý Nhân, Hà Nam.
Hàng trăm chị em phụ nữ của 2 xã Liêm Tuyền - Phủ Lý và Văn Lý - Lý Nhân đã đến tham gia chương trình Khám sàng lọc ung thư vú.
Ngày 12/5/2019, tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Phòng Công tác xã hội phối hợp cùng Trung tâm Điện quang, Trung tâm YHHN&UB, Trung tâm Giải phẫu bệnh và Khoa khám bệnh tổ chức chương trình “Khám sàng lọc, tư vấn ung thư vú” cho trên 300 phụ nữ của 2 xã Liên Tuyền - Phủ Lý và Văn Lý - Lý Nhân, Hà Nam.
Phát biểu tại chương trình, BSCKII. Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng Công tác xã hội, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Công tác xã hội cộng đồng là một trong những hoạt động thường xuyên của Phòng công tác xã hội trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, ngày 11/5 vừa qua Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn nút phát động “Tháng nhân đạo 2019”. Nhân dịp này, chúng tôi cũng muốn tham gia bằng hoạt động khám sàng lọc và tư vấn ung thư vú cho 300 chị em phụ nữ từ 20-60 tuổi của 2 xã Liêm Tuyền - Phủ Lý và Văn Lý - Lý Nhân. Đây cũng là món quà của bệnh viện Bạch Mai tri ân tới những người phụ nữ nơi đây nhân ngày của mẹ - ngày 12/5.
Bác sĩ tiến hành siêu âm vú cho một bệnh nhân.
GS.TS. Phạm Minh Thông - Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng đoàn công tác cho biết: Ung thư vú là loại ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.
Trên thế giới, mỗi năm ước tính có khoảng 1,4 triệu người mới mắc bệnh và khoảng 458.000 người tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 30/10.000 ca mắc bệnh và tần suất này đã tăng gấp 2 lần trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.
Một trong những biện pháp hiệu quả để sàng lọc sớm ung thư vú là siêu âm và chụp X-Quang tuyến vú. “Chúng ta có thể phát hiện bệnh với tổn thương nhỏ nhất bằng X-Quang và siêu âm ngay cả khi bệnh nhân không sờ thấy được”, GS.TS. Phạm Minh Thông nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ có thể phát hiện bệnh với tổn thương nhỏ nhất bằng X-Quang và siêu âm ngay cả khi bệnh nhân không sờ thấy được.
Sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả, đoàn công tác đã siêu âm và tư vấn cho trên 300 phụ nữ của 2 xã, trong đó phát hiện trên 80% có bệnh lý lành tính gồm xơ nang hóa, biến đổi xơ nang, u xơ, nang sữa đóng kén, nang vú kích thước lớn….
Đặc biệt các bác sĩ đã tiến hành làm xét nghiệm tế bào cho 10 ca nghi ngờ. Đối với các trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiếp tục tư vấn phương pháp theo dõi và điều trị tiếp theo tốt nhất cho bệnh nhân.
Niềm vui của chị Nguyễn Thị Hà (55 tuổi ở Liêm Tuyền, Phủ Lý, Hà Nam) khi vừa được khám bệnh miễn phí vừa được nhận quà.
Trong khuôn khổ của chương trình, Phòng Công tác xã hội đã kết nối với các nhà hảo tâm trao tặng 10 phần quà cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 xã, mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà trị giá 100 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, tất cả trên 300 chị em đến khám đều được nhận 1 túi quà trị giá trên 100 nghìn đồng và 1 số thuốc bổ do khoa Dược của bệnh viện trao tặng. Tổng giá trị quà tặng lên tới trên 40 triệu đồng.
Phấn khởi khi vừa được khám bệnh miễn phí, vừa được nhận quà, chị Nguyễn Thị Hà (55 tuổi ở Liêm Tuyền, Phủ Lý, Hà Nam) cho biết: Chị cũng đã được biết một chút thông tin về bệnh ung thư vú qua các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng do điều kiện chị chưa đi tầm soát được.
Hôm nay được các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai về tận nơi khám, tư vấn kỹ càng và còn được nhận quà, chị rất vui và không biết nói gì hơn, gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai và các cấp lãnh đạo của Hà Nam đã quan tâm và tạo điều kiện để chị được tham gia chương trình này.
Các bác sĩ khuyến cáo tất cả phụ nữ trên 40 tuổi đều cần sàng lọc sớm ung thư vú bởi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh đạt tới 90%. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú bao gồm: - Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng, đặc biệt là sau 35 tuổi. - Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú: mẹ, chị gái, em gái, con gái…; - - Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (dưới 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); - Phụ nữ không có con hoặc sinh con đầu lòng sau 30 tuổi; Đột biến gen: BRCA1, BRCA2, BRCA3, p53; - Những người ít vận động, béo phì, có khẩu phần ăn nhiều mỡ động vật, uống rượu, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với phóng xạ… |