Hàng loạt điểm mới trong phương án tuyển sinh 2021
Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2021 với nhiều điểm mới cả về ngành nghề và phương thức xét tuyển.
Đại học Ngân hàng TP.HCM sẽ mở thêm nhiều chuyên ngành mới trong năm 2021.
Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã công bố Đề án tuyển sinh đại học chính quy và đại học liên kết quốc tế dự kiến năm 2021. Năm tới, trường tiếp tục tuyển sinh hệ đại học chính quy với 7 ngành đào tạo: Tài chính Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Kinh tế Quốc tế, Hệ thống Thông tin Quản lý, Luật Kinh tế và Ngôn ngữ Anh. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.280, bao gồm 3 chương trình đào tạo: Chương trình đại học chính quy (ĐHCQ) chuẩn (chương trình đại trà): 2.165 chỉ tiêu; Chương trình ĐHCQ chất lượng cao: 950 chỉ tiêu; Chương trình ĐHCQ Quốc tế song bằng: 165 chỉ tiêu
Ngoài ra trường cũng tuyển sinh 235 chỉ tiêu chương trình liên kết quốc tế do đại học đối tác cấp bằng.
Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là phương thức tuyển sinh chủ yếu, chiếm khoảng gần 80% chỉ tiêu, áp dụng cho 1.925 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ chuẩn, 570 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ chất lượng cao, 80 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ Quốc tế song bằng.
Các phương thức mới được áp dụng trong năm 2020 vẫn tiếp tục được duy trì và tăng lên so với năm trước: Phương thức ưu tiên xét tuyển và xét học bạ theo quy chế tuyển sinh của Trường chiếm khoảng 12% tổng chỉ tiêu tuyển sinh, bao gồm: 290 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ chất lượng cao và 85 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ Quốc tế song bằng.
Phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiếm khoảng 8% chỉ tiêu chuyển sinh áp dụng cho 240 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ chuẩn và 90 chỉ tiêu Chương trình ĐHCQ chất lượng cao.
Riêng chương trình liên kết quốc tế áp dụng phương thức xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn.
Năm 2021, trường tuyển sinh các chuyên ngành mới bao gồm: Chuyên ngành Quản trị Logistic và chuỗi cung ứng thuộc Ngành Quản trị kinh doanh; Chuyên ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) thuộc ngành Tài chính Ngân hàng; Chuyên ngành Khoa học dữ liệu trong kinh doanh thuộc ngành Hệ thống thông tin quản lý
Chương trình đào tạo các ngành thuộc Chương trình ĐHCQ chất lượng cao cũng được điều chính và cập nhật theo các định hướng đào tạo mới như: Định hướng E–Business của ngành Quản trị kinh doanh, Định hướng Digital Accounting của ngành Kế toán, Định hướng Fintech của ngành Tài chính Ngân hàng.
Hội đồng tuyển sinh đại học chính quy Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố phương hướng tuyển sinh với 6 phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2021: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT: 1-5% tổng chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM: 15-25% tổng chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: 30-60% tổng chỉ tiêu; xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021: 30-70% tổng chỉ tiêu; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài: 1-5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn: 1-5% tổng chỉ tiêu.
Năm 2021, nhà trường xét tuyển 5.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 35 ngành đào tạo chương trình trong nước và chương trình liên kết quốc tế.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến tuyển hơn 8.000 sinh viên với nhiều ngành mới về quản lý đô thị thông minh lần đầu tiên được đào tạo. Dự kiến từ năm 2021, nhà trường sẽ mở thêm nhiều ngành mới như Robot và hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý đô thị thông minh và bền vững, Kỹ thuật hóa phân tích, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên…
Năm 2021, nhà trường dự kiến tuyển hơn 8.000 sinh viên trên cả nước, thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển vào các ngành, chuyên ngành đào tạo cho cả cơ sở chính ở TP.HCM và phân hiệu tại tỉnh Quảng Ngãi. Trường xét tuyển theo 12 tổ hợp môn.