Hai chị em khốn khổ sống trong căn nhà rách nát: 'Tết cũng chỉ có cọng rau chấm muối'
Người em ốm đau, bệnh tật, người chị mắc bệnh tâm thần. Hai phận đời buồn tủi sống lay lắt trong ngôi nhà dột nát. Những bữa cơm nghèo khó, đứt đoạn và ước mơ thịt cá là quá xa vời...
Lặn lội thân cò trong căn nhà 7m2
Đến xóm 2, xã Đô Lương (huyện Đông Hưng, Thái Bình) hỏi về gia đình cô Đinh Thị Thuận thì không một ai là không biết. Bởi lẽ, gia đình cô Thuận được xếp vào hạng cùng đinh nhất nhì của xã Đô Lương.
Men theo con ngõ nhỏ heo hút hai bên lòa xòa những bụi dương xỉ mọc lan ra khắp lối đi chúng tôi mới vào được căn nhà nhỏ bé, cũ kĩ và rêu phong nơi cô Thuận cùng người chị gái mắc bệnh tâm thần đang sinh sống.
Thoạt đầu, nhìn từ đằng xa, nếu ai là người mới lần đầu đến đây sẽ tưởng căn nhà nơi 2 chị em cô Thuận giống như một cái nhà bỏ hoang. Căn nhà thấp lè tè, ẩn khuất sau những bụi tre và những dãy chuối tiêu mọc xen kẽ.
Khi chúng tôi mới bước chân qua ngưỡng cổng tre mục rỗng, một người đàn bà ăn mặc lôi thôi, mái tóc lòa xòa như cả mấy năm chưa tắm gội từ trong căn phòng ngay sát cổng chạy ra buông lời trêu đùa rồi lại chuyển ngay sang giọng điệu dữ dằn.
“Vào đây làm gì, tìm ai, có gì mà tìm”, nói đoạn, người này cầm lăm lăm chiếc điếu hút thuốc lào vung vẩy như chắn đường. Đó là cô Đinh Thị Lê (chị gái cô Thuận).
Chửi bới, trêu đùa chúng tôi một lúc lâu, khi nghe tiếng người em, cô Lê mới chịu bỏ điếu chạy vào trong căn phòng của mình. Nói là phòng nhưng nơi cô Lê đang ở tạm bợ, bẩn thỉu.
Trong phòng, 1 đống lá chuối khô xếp bừa bãi ở góc nhà, nền nhà đầy vỏ mì tôm, rơm rạ rơi vãi. Sâu bên trong góc phòng, vài ba chiếc ấm, nồi cũ để ngổn ngang.
Chỉ tay vào căn phòng người chị gái đang ở, cô Thuận khẽ cười: “Bẩn thỉu như vậy nhưng không bao giờ cho ai được phép dọn. Hễ ai dọn là lại dỗi bỏ nhà ra đi”.
Dẫn tôi vào sâu bên trong căn nhà mái ngói thấp lè tè, cô Thuận chỉ tay lên chiếc giường kê sát vách giọng niềm nở: “Chú ngồi tạm đây nhé, nhà cửa chẳng có bàn ghế gì”.
Bên trong căn nhà cũ, chính giữa nhà là bàn thờ với 2 tấm di ảnh các cụ thân sinh ra cô. Hai bát hương lạnh lẽo với vài ba cụm chân nhang như lâu lắm rồi cũng chưa được ai thắp.
Tiếp nối 2 bên vách là ngổn ngang những bát đĩa, xoong nồi và 2 bao long nhãn khô cô nhận về bóc kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.
Cô Thuận năm nay vừa bước sang tuổi 51, ở cái tuổi không phải quá nhiều nhưng nhìn cô tiều tụy, dáng vẻ nhỏ thó, chân đi tập tễnh, hai mắt trũng sâu và những nếp nhăn trên mặt thì đã xuất hiện khá nhiều.
Bà cụ thân sinh ra cô Thuận có được 2 người con là cô Lê và cô Thuận. Năm 2 cô còn nhỏ xíu, cụ ông thân sinh đã đột ngột ra đi vì bạo bệnh để lại cho 2 chị em cô cùng người mẹ quanh năm đau ốm triền miên.
2 năm trước, cũng trong một cơn bạo bệnh, mẹ cô đã ra đi để lại cô cùng người chị gái điên điên, dở dở của mình trong căn nhà tạm bợ rộng chưa đến 7m2.
“Lúc sinh ra chị tôi có bị như này đâu, cũng bình thường, tỉnh táo, chăm chỉ làm ăn. Khoảng 10 năm đổ lại đây, chẳng hiểu vì lý do gì mà chị ấy đột ngột phát bệnh, cả ngày cứ chửi bới, nói luyên thuyên cả lên”, cô Thuận cười chua chát.
Cuộc sống muôn vàn khó khăn
Trước đây, khi còn có sức khỏe, cứ hễ ai có ruộng nương không cày cấy là cô Thuận nhận về làm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây bệnh tật cứ liên tục ghé thăm, sức khỏe yếu dần đi nên cô chỉ gắng gượng cấy được 2 sào ruộng để có cái ăn.
“Nhìn tôi thế này thôi chứ lắm bệnh lắm, đau đầu, đau nhức xương khớp nên chẳng làm ăn gì được. Trước kia, cấy hái xong, nông nhàn còn đi làm thuê, làm mướn được nhưng giờ thì chịu”, cô Thuận kể.
Chỉ tay vào 2 bao nhãn khô dưới nền nhà, cô Thuận tiếp. “Giờ 2 chị em ngoài 2 sào ruộng ra thì còn nhận nhãn về bóc long. Tôi bệnh nên không ngồi lâu được, làm tý lại phải nghỉ, cả ngày may ra được hơn chục nghìn nhưng không làm thì cũng không kiếm đâu ra tiền tiêu. Nhiều lúc ốm đâu là gạo cũng không có mà ăn, lúc đó thật sự sống không bằng chết”.
Cô Thuận kể, từ khi chị gái phát bệnh, cô cũng chạy vạy vay mượn bà con lối xóm mỗi người một ít để đưa chị đi khám. Tuy nhiên, tiền thuốc men nhiều, bệnh tình lại không thấy thuyên giảm nên cô cũng không đưa chị đi khám lần nào nữa.
“Thời gian gần đây chị ấy còn ổn định chứ như dạo trước bỏ nhà đi suốt, không lúc nào ở nhà. Nhiều người đến ủng hộ gạo có, đồ ăn có, tiền có nhưng cứ thấy cái gì là chị ấy lại cầm ném hết đi.
Dạo trước có đoàn từ thiện đến ủng hộ, họ vừa trao quà thì chị ấy vào giằng lấy rồi giấu đi. Hôm sau tôi hỏi lại thì chị ấy bảo đã ném đi đâu rồi.
Rồi thì gạo chẳng có mà ăn nhưng tôi cứ đi làm về là y như rằng thấy chị ấy vứt gạo hết ra sân, ra nhà. Bực nhưng không biết làm sao được”.
Cô Thuận kể, đợt Tết vừa rồi, thấy chị gái nói thèm ăn thịt nên cô đi vay mượn tiền mua được 1 cân thịt về để ăn Tết. Tuy nhiên, khi có việc phải ra ngoài 1 lúc về nhà đã thấy cô Lê mang xoong thịt vứt lăn lóc dưới sân.
“Xót quá nên tôi lại nhặt đem rửa rồi đun lại để ăn bữa tới. Tết năm nay còn có tý thịt chứ như mọi năm 2 chị em chỉ có mấy cọng rau chấm muối hạt ăn qua ngày chứ chả có điều kiện mà bày vẽ. Tết nhất nên cũng ngại vay mượn người ta”, cô Thuận tâm sự.
Trao đổi về hoàn cảnh của gia đình cô Thuận và cô Lê, ông Nguyễn Duy Phan, Trưởng xóm 2 cho biết: “Gia đình cô Thuận thuộc diện khó khăn nhất của thôn. Kinh tế không có nhưng lại phải chăm sóc người chị bị bệnh tâm thần.
Gia đình cô ấy cũng thuộc diện hộ nghèo nhưng chỉ có cô Lê được trợ cấp vài trăm ngàn. Thôn và xã cũng không giúp đỡ gì được nhiều nên mong qua báo đài, nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ để 2 chị em cô ấy bớt khó khăn đi”.