Google Doodle hôm nay 24/3: "Tôn vinh bánh mì Việt Nam"

24-03-2020 08:40:04

Google Doodle hôm nay 24/3/2020, trên giao diện trang chủ Google tại một số quốc gia như Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo xuất hiện hình ảnh hoạt họa về chiếc bánh mì Việt Nam cùng cụm từ "Tôn vinh bánh mì Việt Nam".

Ngày 24/3, Google thay đổi doodle nhằm tôn vinh bánh mì Việt Nam. Đúng vào ngày này năm 2011, bánh mì Việt Nam được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford.

Từ "Bánh mì", nhằm để chỉ món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam. Báo giới quốc tế công nhận bánh mì kẹp Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.

 

Giao diện của Google trở nên sống động hơn với những nguyên liệu tạo nên hương vị nổi tiếng thế giới của chiếc bánh mì như pate, thịt, chả chiên, giò lụa, thịt xông khói, rau ghém, rau mùi, nước sốt...

I. Kỷ niệm tròn 9 năm "Bánh mì" được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford

Với rất nhiều thành phần để tạo nên chiếc bánh mì kẹp - thức ăn phổ biến của người Việt Nam trong bữa sáng - Google nhận định chiếc bánh mì Việt Nam đại diện cho sự hòa quyện ẩm thực tinh tế của ẩm thực Việt trên thế giới. 

Vào ngày này năm 2011 (24/3/2011), từ "Bánh mì" đã được đưa vào cuốn Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary) - cuốn từ điển bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới.

Cụ thể, Oxford English Dictionary thêm từ "Banh mi" vào từ điển và giải nghĩa rằng đó là món ăn của người Việt Nam. Cuốn từ điển này giải nghĩa "Banh mi" (cụ thể là bánh mì kẹp) được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân (phong phú) gồm pate, thịt, rau củ, sốt, tương ớt...

Theo Google Doodle, một số người cho rằng, bánh mì kẹp xuất hiện rải rác lần đầu tiên ở những con phố nhỏ vào cuối thập niên 1950 ở Sài Gòn, tuy nhiên, nguồn gốc của chiếc bánh mì kẹp này đến nay vẫn chưa ai rõ, chỉ biết rằng, chiếc bánh mì Việt Nam (bánh mì không) lấy cảm hứng từ loại bánh mì baguette của Pháp. Về sau, việc thêm các thành phần, gia vị khác đã tạo nên chiếc bánh mì kẹp đặc sản của người Việt Nam.

Một chiếc bánh mì kẹp có thể kích thích vị giác của thực khách bao gồm: Một chiếc bánh mì không, nóng giòn được xẻ đôi để thêm vào các thành phần như pa-tê, các loại thịt (như giò lụa, thịt nguội, thịt viên, thịt gà...), rau củ chua chua giòn giòn (như dưa chuột, củ cải ngâm, cà rốt và rau mùi) rồi thêm dòng sốt mayonnaise thơm nức hòa quyện cùng dòng tương ớt cay nhẹ... Tất cả cùng hòa quyện vào nhau, khiến thực khách thưởng thức vô cùng hào hứng.

Thật tuyệt vời! Chỉ bằng cách thay thế các hương vị châu Âu bằng nguyên liệu đậm chất Việt Nam, người Việt Nam đã tạo nên một món ăn mà chỉ khi đến đây, thực khách nước ngoài mới có cơ hội thưởng thức chúng tròn vẹn nhất!

Chiếc bánh mì kẹp trên thế giới cũng được biến tấu tương tự. Ngày nay, người ta có thể tìm thấy vô số các loại bánh mì kẹp trong các quầy hàng trên đường phố, chợ và nhà hàng trên khắp thế giới, từ New York, đến Seoul...

Người Hàn Quốc thường thưởng thức bánh mì kẹp với bulgogi đặc trưng của họ (thịt bò nướng) và kim chi. Ở Mỹ, bánh mì sandwich có lẽ là cái tên không hề xa lạ với nhiều người.

Bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh mì kẹp khác nhau, với hình dáng, nguyên liệu kẹp khác nhau... nhưng có lẽ nhiều người phải gật gù đồng ý rằng: Vào một buổi sáng mát lành, ngồi ở góc phố và trên tay thưởng thức chiếc bánh mì Việt Nam, chờ đợi những giọt cà phê thơm nức nhỏ xuống đáy cốc, thì không còn điều gì tuyệt vời hơn để bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng và niềm hạnh phúc giản dị...

II. "Lịch sử" bánh mì Việt Nam

Bánh mì Việt Nam xuất phát từ bánh mì baguette do người Pháp đem vào Nam Việt Nam. Trong quá trình cải tiến, người Sài Gòn đã chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng của Sài Gòn với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30 – 40 cm.

Bánh mì Hoà Mã nằm trên phố Cao Thắng (TP. HCM) là tiệm bánh mì đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: TTVN)

Ổ bánh mì chế biến thêm nhân thịt, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người dân đất Sài Gòn, được cho là có từ 150 năm trước. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau.

Bánh mì là món ăn nhanh buổi sáng, buổi tối cho giới học sinh, sinh viên và người lao động vì có giá thành phù hợp. Tuỳ từng địa phương ở Việt Nam mà bánh mì kẹp có thể được sử dụng thay thế cho bữa sáng, hoặc như một món ăn nhanh vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Sau này, Bánh mì Sài Gòn theo chân người Việt tới Pháp, Mỹ, Úc, Canada... và trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới, họ gọi chung là bánh mì.

III. Sự kiện đặc biệt vinh danh món bánh mì Việt Nam::

- Ngày 24/3/2011, từ "Bánh mì" đã được vinh danh trong từ điển Oxford.

- Năm 2013, bánh mỳ Việt được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

- Đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố do tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler bầu chọn.

- Năm 2014, bánh mì Việt Nam tạo nên cơn sốt khi lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của Huffington Post.

- Năm 2016, bánh mỳ cùng phở và bún chả đã lọt top 100 món ăn nổi tiếng thế giới, do Liên minh Kỷ lục Thế giới - Wordkings và Viện Top Thế giới công bố.

- Năm 2017, bánh mì Việt Nam lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo trang Traveller

- Năm 2018, trang CNN đã ưu ái gọi tên bánh mỳ ở Hội An là "vua của các sandwich trên thế giới".

Trang Luv (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //