Giấy vệ sinh giả y như thật, nhiều người tiêu dùng bị đánh lừa!

06-01-2017 17:40:06

Với công nghệ in ấn hiện nay, các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm, thương hiệu rất tinh vi. Người bán hàng thường chỉ cần giá rẻ, không cần biết hàng đó là thật hay giả.

Vì lợi nhuận, tiểu thương tiếp tay cho hàng giả

Hiện nay, thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm giấy vệ sinh giả, nhái. Theo thông tin từ người tiêu dùng, với mẫu mã đa dạng và in ấn tinh vi nên rất khó để phân biệt hàng giả. Không những vậy, trên các sản phẩm này đều có tem “Chống hàng giả”, khiên người tiêu dùng dễ bị mắc lừa.

Nhóm phóng viên đã có mặt tại cửa hàng H.T ở chợ Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Tại đây, có khoảng 30 cuộn giấy màu tím nhãn hiệu Ha Noi của Công ty TNHH T.H (Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trên kệ, có giá 58.000 đồng/dây gồm 10 cuộn giấy.

Chủ cửa hàng cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán được 3 - 5 dây giấy vệ sinh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số những cửa hàng như thế này đều nhận phân phối từ các đầu mối lâu năm và không hề biết sản phẩm mình bán được sản xuất như thế nào.

Cũng theo bà chủ cửa hàng: “Hàng hóa được lấy từ các đầu mối mang trực tiếp đến cửa hàng. Họ đi xe máy chở qua đây gồm nhiều sản phẩm khác nhau. Chúng tôi tiêu thụ sản phẩm nào nhiều thì lấy sản phẩm đó. Mỗi dây giấy vệ sinh 10 cuộn như thế này, chúng tôi cũng lãi chỉ được 2.000 đồng”.

Khi phóng viên lấy nước chà nhẹ lên tem chống hàng giả thì chữ C54 đã không hiện lên, đồng thời chiếc tem này khi gặp nước thì mềm nhũn và rất dễ bóc. Lúc này, bà chủ cửa hàng H.T lại: “Loại này thì mới rẻ, chứ hàng xịn đắt hơn mấy nghìn đồng”.

Sau khi thuyết phục bà chủ cửa hàng T.H cho số điện thoại người phân phối sản phẩm, phóng viên đã gọi theo số điện thoại 01233.254.xxx, Người này cho biết, giờ đã nghỉ không còn làm nghề phân phối sản phẩm bán lẻ nữa. “Nếu anh muốn lấy sản phẩm gì thì cứ liên hệ với anh H. bên Bắc Ninh, muốn lấy bao nhiêu cũng có”, người này nói.

Theo khảo sát của phóng viên, chỉ ở khu vực chợ Xuân Đỉnh và chợ Xuân La đã có đến 5 cửa hàng có bản các sản phẩm của Công ty TNHH T.H. Ngoài một số sản phẩm giấy vệ sinh được làm giả tinh vi, còn rất nhiều sản phẩm khác có bao bì giống với sản phẩm của Công ty T.H nhưng mang tên khác - Theo báo Thanh niên.

Doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề

Qua tìm hiểu, các khu chợ thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên được xem là địa điểm lý tưởng để tiêu thụ giấy vệ sinh giả. Một số tỉnh xa như Lào Cai, Yên Bái… tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng rất phổ biến.

Hàng loạt sản phẩm của Công ty TNHH Tiến Hiệu bị làm giả, làm nhái

Một số chủ đại lý ở ngã tư Xuân Canh (Đông Anh), cửa hàng H.Đ (La Phù - Hoài Đức) và một số tiểu thương khác ở chợ Xốm (Hà Đông) đa số đều cho biết, họ không phân biệt được hàng giả, hàng thật. Một số khác không ngần ngại trả lời, cứ sản phẩm nào cho họ lợi nhuận cao hơn thì họ sẽ mua.

Bà Đinh Thị Kim Định - Giám đốc Công ty TNHH T.H bức xúc cho biết hiện Công ty đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng: “Để sản xuất được một sản phẩm có uy tín, chất lượng, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, sức lực và máy móc.

Chị Nguyễn Thị H., một tiểu thương ở Xuân Canh cho biết, chị là người từng bán phải hàng giả nên biết lợi nhuận sẽ cao hơn. “Thường thì một dây gồm 10 cuộn giấy vệ sinh giả, lợi nhuận sẽ cao gấp 2, gấp 3 lần so với hàng thật. Tuy nhiên, chất lượng rất tồi, chỉ cần chạm nước là giấy mủn ra ngay. Không những vậy, chất lượng độc hại trong giấy thì không ai biết như thế nào cả”, chị H. cho biết.

Với công nghệ in ấn ngày nay, để phân biệt hàng thật giả qua bao bì là rất khó.

Theo chia sẻ của chị H., một dây giấy vệ sinh thật nhãn hiệu Ha Noi của Công ty T.H chị sẽ bán 62.000 đồng. Trong khi đó, giấy vệ sinh giả hoặc nhái thương hiệu sẽ rẻ hơn từ 4.000 - 6.000 đồng. “Giá bán cũng xấp xỉ hàng thật, mẫu mã thì nhái gần như không sai chi tiết nào nên rất dễ để đánh lừa người tiêu dùng, còn người mua thì họ ít quan tâm lắm, cứ giá rẻ hơn một tí là bất chấp tất cả”, chị H. cho biết thêm.

Cơ quan chức năng đã đưa ra gợi ý phân biệt hàng thật giả cho người tiêu dùng như sau: Ở khu vực thể hiện mã vạch, các đối tượng sẽ in màu mã vạch trùng với màu bao bì, trong khi mã vạch của hàng thật sẽ là màu đen. Đối với một số sản phẩm có tem chống hàng giả, để phân biệt sản phẩm thật, người tiêu dùng chỉ cần lấy nước chà lên mặt tem chống hàng giả thì sẽ nổi lên chữ C54 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), hoặc có thể dùng máy soi tiền, chiếu lên thì trên mặt tem sẽ nổi lên chữ C54. 

An Bình
Theo Đời sống Plus //