Giật mình con số hơn 6 nghìn người chết mỗi năm do lái xe ngủ gật
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, những vụ tai nạn giao thông liên quan tới giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ giao thông trong một năm.
Vừa qua tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra “Ngày hội chăm sóc bác tài” do Ủy ban ATGT Quốc gia, Michelin và Bệnh viện ô tô (BVOT) đồng tổ chức với thông điệp “Lái muôn nơi không vơi năng lượng”. Tại đây, nhiều con số giật mình liên quan đến sự mệt mỏi ảnh hưởng đến việc lái xe, tai nạn giao thông đã được công bố.
Hơn 6 nghìn người chết mỗi năm do lái xe ngủ gật là con số được công bố tại “Ngày hội chăm sóc bác tài” do Ủy ban ATGT Quốc gia, Michelin và Bệnh viện ô tô (BVOT) đồng tổ chức.
Ông Trần Hồng Ninh, Giám đốc BVOT cho hay, hiện nay, đối với loại hình xe khách, xe tải, xe container thì mối nguy hiểm rất phổ biến đến từ tình trạng mệt mỏi và thiếu ngủ của người lái xe. Giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này sẽ đến từ việc xây dựng hệ thống trạm dừng chân đảm bảo về số lượng và chất lượng trên phạm vi toàn quốc.
Sự mệt mỏi và thiếu ngủ của các tài xế lái xe khách, xe tải, xe container phần lớn xuất phát từ áp lực nghề nghiệp. Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe ô tô chạy tuyến đường dài không được lái xe quá 10 giờ mỗi ngày và liên tục 4 giờ; sau mỗi 2,5 tới 3 tiếng, tài xế phải nghỉ từ 30 - 45 phút mới tiếp tục cầm lái. Tuy nhiên, vì áp lực nghề nghiệp, nhiều tài xế bỏ qua quy định này”.
Số liệu thống kê về tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi lái xe. Ảnh BVOT
Cũng theo ông Minh, để phần nào giải quyết, theo định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT, sẽ có khoảng 152 trạm dừng chân giúp cho người lái xe nghỉ giữa chặng, không vượt quá 4 giờ liên tục theo quy định luật Luật Giao thông đường bộ.
Trên thực tế, nghiên cứu chuyên sâu từ Hiệp hội An toàn giao thông AAA của Hoa Kỳ cho rằng việc lái xe khi ít ngủ hơn 5 tiếng một ngày cũng nguy hiểm không khác gì uống rượu khi lái xe. Nghiên cứu cũng cho rằng khá khó khăn trong việc phát hiện buồn ngủ khi lái xe, khiến đây trở thành vấn đề an toàn giao thông cấp bách hiện nay.
Do đó, các chuyên gia cho rằng cần tăng số lượng và nâng cao chất lượng trạm dừng chân vì an toàn giao thông. Từ đầu năm đến nay, Cục quản lý đường bộ IV đã phối hợp với cảnh sát giao thông đã ghi hình, xử lý gần 1.000 trường hợp tài xế vi phạm. Tuy nhiên, rõ ràng thực tế hiện nay là những điểm dừng chân cho xe tải, đặc biệt xe container là còn quá ít so với nhu cầu thực tế.
Nhiều tài xế, đặc biệt xe tải và container đã phải dừng xe, ngủ trên đường cao tốc. Trong các chuyến xe đường dài, chạy đêm thực tế chỉ có 1 tài xế “chạy ráng” thay vì cần sử dụng 2 tài xế luân phiên nhau.
Theo Hội Đồng An Toàn Quốc Gia Mỹ (National Safety Council) khoảng 13% tài xế thừa nhận tình trạng ngủ gật sau tay lái ít nhất mỗi lần 1 tháng và 4% đã gây tai nạn do ngủ gật. Trong đó, các khung giờ dễ ngủ gật nhất là từ 2h đến 6h sáng và từ 14h đến 16h chiều.