Giáo viên đơn môn dạy liên môn thế nào?

08-09-2021 07:00:17

Chương trình GDPT 2018 triển khai ở khối lớp 6 có 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.


GV Đà Nẵng tham gia bồi dưỡng tập huấn CT - SGK mới.

Trong khi đó, đội ngũ GV hầu hết chỉ được đào tạo đơn môn. Các trường THCS đã căn cứ vào tình hình thực tế đội ngũ để phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của GV và yêu cầu của bộ môn.

Không dạy cuốn chiếu, dạy “đẩy”

Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử, Địa (Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: Sách giáo khoa lớp 6 chia rõ ràng nội dung kiến thức Lịch sử và Địa lý. GV căn cứ vào đó để soạn bài chứ không phải 2 GV cùng dạy trong một tiết. Lên đến các lớp 7 – 8 - 9,  môn Lịch sử và Địa lý mới có chủ đề chung.

Tuy nhiên, theo nhận xét của thầy Tuấn, chương trình Lịch sử, Địa lý lớp 6 của chương trình mới có nhiều thay đổi so với SGK hiện hành. “Kiến thức, phương pháp giảng dạy đều phải đổi mới, không thể theo cái cũ được. Muốn dạy tốt, đòi hỏi GV phải tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình giáo dục phổ thông của bộ môn toàn cấp học và SGK, từ đó mới nắm bắt được nội dung giảng dạy. GV phải nghiên cứu phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho HS” – thầy Tuấn chia sẻ.

Trong xây dựng phân phối chương trình, kế hoạch giáo dục của môn Lịch sử - Địa Lý lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Huệ, GV vẫn xây dựng chung vào một file, tách ra phần Lịch sử, Địa lý. Theo đó, việc dạy sẽ chia ra do GV bộ môn đảm nhận theo chuyên môn được đào tạo. Ở học kỳ I, mỗi tuần lớp 6 có 2 tiết Lịch sử, và 1 tiết Địa lý. Học kỳ II sẽ phân thời khóa biểu ngược lại, 1 tiết Lịch sử và 2 tiết Địa lý.

Với bài kiểm tra thường xuyên, theo thầy Tuấn, ở học kỳ I, phần Lịch sử sẽ có 3 cột điểm, Địa lý 1 cột điểm. Sang học kỳ II đổi ngược lại. Đối với bài kiểm tra đánh giá định kỳ, gồm một bài giữa kỳ và cuối kỳ sẽ làm một đề kiểm tra chung với cấu trúc 70% dung lượng kiến thức Lịch sử, 30% môn Địa lý ở học kỳ I và ngược lại ở học kỳ II.

Đây cũng là phương án mà các trường THCS trên địa bàn quận Hải Châu áp dụng trong phân công GV dạy học 2 môn học mới. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) cho biết: Với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường phân công 3 GV đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đảm nhiệm dạy học. Theo đó, thời khóa biểu ở học kỳ I có 2 tiết Vật lý, Hóa 1 tiết, Sinh 1 tiết.

Thầy Tú Anh khẳng định: “Chỉ có thể chia thời khóa biểu theo phân môn chứ không thể dạy đẩy được. Ví dụ, nếu học cuốn chiếu hết 3 tiết môn Vật lý thì những nội dung liên quan đến Hóa học, rồi có thể 2 tiết Hóa lại liên quan đến kiến thức của môn Sinh học sẽ giải quyết thế nào. Nếu học cuốn chiếu môn này xong đến môn kia, kiến thức không còn liên môn, tích hợp nữa”.

Với một bài có kiến thức của 2 môn sẽ chia thành 2 tiết. “Nếu để một GV “ôm” hết cả 3 môn trong khi vốn dĩ GV chỉ được đào tạo đơn môn thì ngoài việc không đảm bảo kiến thức sâu, sẽ có tình trạng khi HS hỏi một vấn đề gì ngoài SGK, có thể GV sẽ không nắm hết để giải đáp, hỗ trợ. Ở lớp 6, kiến thức còn nhẹ có thể GV đáp ứng được. Nhưng lên đến lớp 8 - 9 là không thể” – thầy Tú Anh giải thích. Vì vậy, GV sẽ lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó.


Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt tổ chuyên môn theo nhóm bộ môn ở khối lớp 6. 

Mới nhưng không lạ

Tổ chuyên môn Sử, Địa của Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức cho nhóm GV lớp 6 thống nhất chương trình, xây dựng kế hoạch bài giảng của khối 6 trên cơ sở kế hoạch bài giảng của cá nhân. Từ đây, tổ sẽ sinh hoạt chuyên môn trực tuyến để thống nhất kế hoạch bài dạy cho năm học mới. Để kế hoạch bài dạy đi vào thực tiễn, Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức theo quy trình xây dựng từ nhóm đến tổ rồi mới đến trường.

Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phân công giảng dạy trong học kỳ I theo thời khóa biểu 2 tiết Sinh học, 2 tiết Hóa học. Học kỳ II, HS học 2 tiết Vật lý, 1 tiết Sinh học và 1 tiết thực hành. Nhà trường sẽ sáp nhập 2 tổ chuyên môn Hóa – Sinh và Lý – Công nghệ thành tổ Khoa học tự nhiên để thuận tiện trong sinh hoạt chuyên môn.

Dạy học tích hợp, liên môn được xem là phần cốt lõi của CT – SGK mới. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, GV mới bắt đầu thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Các trường phổ thông, trong điều kiện và khả năng của mình, đã chủ động triển khai dạy học tích hợp, liên môn theo hướng xây dựng các chủ đề dạy học nhằm hướng dẫn HS vận dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn chứ không dừng lại ở việc lồng ghép các nội dung giáo dục vào môn học chính khóa.

Để tạo đà cho GV thích ứng với chủ trương đổi mới CT - SGK, từ vài năm nay, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ cùng với GV các bộ môn nghiên cứu tính toán xem những bài học nào, phần kiến thức nào có thể tích hợp, có mức độ liên quan để xây dựng trước bài giảng ngay trong thời gian nghỉ hè.

Chính vì vậy, hầu như tổ chuyên môn nào cũng có GV tham gia dạy học tích hợp, liên môn. Chính sự sát sao của Ban giám hiệu, hướng dẫn cho GV trong việc lựa chọn những kiến thức tích hợp, liên môn phù hợp đã tránh cho việc giờ học trở nên nặng nề trong điều kiện SGK của chương trình hiện hành chủ yếu viết theo hướng đơn môn.

Cô Trịnh Thị Ngọc Ánh - GV môn Vật lý, Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và đồng nghiệp được nhà trường phân công giảng dạy song song ở môn Khoa học tự nhiên. Ngoài đảm nhiệm soạn giảng theo chuyên môn đào tạo của mình, nhóm 3 GV sẽ cùng bàn bạc, chủ động trao đổi những nội dung có sự giao thoa để phối hợp tốt trong soạn giảng. “Dù vẫn có chút lo lắng vì lần đầu tiên triển khai giảng dạy, tuy nhiên, chúng tôi xác định phải tự bồi dưỡng để những năm tới có thể đảm nhận được việc dạy học tích hợp, liên môn để đảm bảo sự liên tục của mạch bài dạy”, cô Ngọc Ánh chia sẻ.

 

Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại //