Gia tăng đột biến số người mắc mắc bệnh Whitmore tại miền Trung
Bệnh viện Trung ương Huế vừa phát đi cảnh báo về sự gia tăng đột biến số người mắc bệnh Whitmore tại miền Trung sau thời gian mưa lũ.
Người mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: NLĐ
Ngày 17/11, Bệnh viện Trung ương Huế đã phát đi thông cáo về việc ghi nhận sự xuất hiện và tăng đột biến bệnh nhân mắc Whitmore trong mùa bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung.
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 28 ca bệnh. Số bệnh nhân mắc bệnh Whitmore tăng đáng kể so với thời gian trước đó.
So sánh với số ca bệnh mà Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014-2019 với chỉ khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkhoderia Pseudomallei ); từ tháng 1/2020 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân.
Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy.. thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Điều đáng lo ngại là, nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... nên điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, sự tăng đột biến số lượng ca bệnh Whitmore trong thời gian gần đây tại các tỉnh miền Trung có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei.
Số người mắc bệnh gia tăng đột biến trong mùa mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Ảnh minh họa
Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và bề mặt nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da.
Bệnh Whitmore gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, cả ở nam và nữ, thường thấy ở những đối tượng có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất và nước. Bệnh Whitmore rất ít gặp, không bùng phát thành dịch, tuy nhiên bệnh cảnh thường tiến triển rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người đang mắc bệnh mãn tính.
Hiện chưa có vaccine phòng tránh và điều trị bệnh Whitmore. Do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, cần trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch trước và ngay sau khi tiếp xúc.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được điều trị ổn định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.