Gia cảnh éo le của nữ sinh xứ Thanh nuôi mơ ước vào đại học
Mất cha từ năm lên 7 tuổi, mẹ bị bệnh hiểm nghèo… nhưng Nguyễn Thị Ngọc Ánh quyết không bỏ cuộc. Cô nữ sinh nghèo xứ Thanh vẫn nuôi ước mơ vào đại học, để sau này có thể nuôi bà ngoại và chăm sóc mẹ.
Nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Ánh.
Bố mất sớm, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo
Trong căn nhà cũ kỹ sát triền đê sông Mã ở thôn Lang Thôn (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Ánh (học sinh lớp 12A4, Trường THPT Yên Định 1) tranh thủ sắp xếp lại góc học tập, sau khi vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Đây là căn nhà của bà ngoại Ánh. Hơn một năm trước, em đã chuyển sang đây nương nhờ, sau khi ông nội qua đời. Còn bà nội em, do bị tai biến, nên mấy năm trước được người chú ruột đón về huyện Hà Trung để tiện bề chăm sóc.
Ngọc Ánh mất cha từ năm lên 7 tuổi, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo suốt 10 năm qua. Cuộc sống khó khăn, mẹ em buộc phải bươn chải khắp nơi, với hy vọng kiếm đủ tiền nuôi em ăn học.
Mất cha từ năm lên 7 tuổi, với Ngọc Ánh mẹ là điểm tựa duy nhất giúp em nỗ lực vươn lên.
Thiếu vắng tình yêu thương của bố, lại thường xuyên không được gần mẹ, có lẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tính của Ngọc Ánh. Em rất ít khi cười, đôi mắt có đôi chút gợn buồn, thi thoảng lại nhìn xa xăm, ẩn chứa biết bao nỗi niềm.
“Em ở với ông bà nội từ bé, dù được ông bà dành tình yêu thương, nhưng đôi lúc em vẫn cảm thấy thiệt thòi. Nghĩ đến bạn bè, ai cũng được bố, mẹ quan tâm, em lại tủi thân muốn khóc”, Ngọc Ánh ngậm ngùi.
Có những lúc trong đầu cô nữ sinh lớp 12A4 từng xuất hiện suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, nghĩ đến nỗi vất vả của mẹ, Ngọc Ánh gạt đi, dặn mình phải nỗ lực cố gắng vượt lên số phận.
“Không còn bố, mẹ chính là điểm tựa duy nhất của em. Mỗi khi nghĩ về mẹ, em lại dặn lòng phải nỗ lực hơn nữa”, nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Ánh giãi bày.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong đời, Ngọc Ánh rưng rưng: “Đó là khi bố em còn sống. Em nhớ lúc ấy vừa kết thúc năm học, được bố mẹ cho đi cùng vào các tỉnh phía Nam. Em được đi sở thú, khu vui chơi giải trí… Khi đó, thật hạnh phúc vì được ở cạnh cả bố và mẹ”.
Căn nhà cũ kỹ của bà ngoại - nơi hai mẹ con Ánh nương nhờ.
Đôi mắt đỏ hoe, bà Trương Thị Nụ (mẹ của Ánh) rưng rưng khi kể về gia cảnh của mình. Một năm sau khi chồng mất, bà Nụ lặn lội vào các tỉnh phía Nam mưu sinh, nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống. Ba năm sau, bà Nụ quyết định về quê để được gần con cái.
“Gần 7 năm qua, tôi rong ruổi đẩy xe đi bán xôi, bánh mỳ. Công việc vất vả, lại cách nhà 25 km nên cuối tuần mới tranh thủ về với con. Thu nhập bấp bênh, nhiều lần tôi phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua thuốc và lo cho con ăn học”, bà Nụ chia sẻ.
Cuộc sống mưu sinh đã vất vả nhưng bà Nụ còn phải sống chung với bệnh tật. “Ngày nào tôi cũng phải uống thuốc. Không biết còn sống được bao lâu nữa, tôi chỉ lo không thể sống để nuôi con ăn học nên người”, mẹ của Ánh ngậm ngùi.
Khát khao vào đại học
Sau cái chết đau đớn của người cha, Ngọc Ánh từng mơ ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ, “chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
“Bước vào lớp 10, em nhận thấy nếu theo đuổi ngành Y sẽ mất ít nhất 6 năm, đồng nghĩa học phí cũng sẽ gia tăng. Trong khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ lại bệnh nặng. Đứng trước tình cảnh này, em đành phải từ bỏ ước mơ ấy”, nữ sinh bộc bạch.
Biết gia cảnh của Ngọc Ánh, cô Lê Thị Thanh (giáo viên chủ nhiệm) luôn động viên, khích lệ em vươn lên trong học tập.
Kể từ sau quyết định này, Ngọc Ánh tập trung nhiều vào ba môn khối A. Ngoài thời gian học trên lớp, em chủ yếu tự học ở nhà.
Để nắm vững kiến thức, Ngọc Ánh thường xuyên tìm tòi kiến thức trên mạng hoặc trao đổi với bạn bè để tìm ra phương pháp học hiệu quả.
Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, suốt 12 năm học, Ngọc Ánh đều đạt học sinh giỏi. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh lớp 12A4 đạt 26,2 điểm ở ba môn khối A. Trong đó, môn Toán được 9,2 điểm, Vật lý 9 và 8 điểm môn Hóa học.
Với kết quả này, Ngọc Ánh dự định xét tuyển vào ngành Kiểm toán của Đại học Thương mại Hà Nội. Giải thích lý do chọn ngành này, Ánh cho rằng, muốn có công việc ổn định tại một doanh nghiệp nào đó, để có thể lo cho bà và chăm sóc mẹ.
“Em mong sau này có công việc ổn định để chăm sóc bà ngoại và mẹ. Dù con đường phía trước có khó khăn thế nào, em vẫn không bỏ cuộc, vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng”, Ngọc Ánh cho biết.
Chia sẻ về cô học trò của mình, cô Lê Thị Thanh (giáo viên chủ nhiệm) xúc động: “Từ khi biết hoàn cảnh của em, hiểu được tính cách và con người em, tôi rất khâm phục sự nỗ lực cố gắng vươn lên của Ngọc Ánh.
Là giáo viên chủ nhiệm, tôi mong sao các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ để em tiếp tục thực hiện ước mơ. Bởi, con đường đến cổng trường đại học còn rất nhiều chông gai, nhất là khi sức khỏe của mẹ em ngày một sa sút”.
Cô nữ sinh lớp 12A4 mơ ước vào đại học, mong có công việc ổn định để nuôi bà và mẹ.
Thầy Lê Minh Hiển – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay sau khi nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, nhà trường đã chỉ đạo thầy cô không thu tiền học thêm của em. Đồng thời, trao đổi với các cấp khuyến học kêu gọi hỗ trợ để em không bỏ học giữa chừng.
“Đoạn đường phía trước của em, nhà trường rất mong có sự chung tay, chung sức của xã hội, các mạnh thường quân có thể hỗ trợ để em thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình”, thầy Hiển chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Khanh - Trưởng thôn Lang Thôn, cho biết: “Gia cảnh cháu Ánh khá éo le, bố mất sớm, mẹ bị bệnh. Do hoàn cảnh khó khăn, cháu phải sang nương nhờ bà ngoại. Tuy nhiên, bà ngoại của cháu cũng thường xuyên đau ốm.
Trước tình cảnh này, chính quyền thôn cùng người dân cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên. Tôi mong sao cháu sẽ tiếp tục được đi học để sau này có công việc ổn định”.