Những chuyện chưa kể của "dị nhân" gần nửa thế kỷ thu gom, tìm vớt hàng ngàn xác chết
Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông Nhâm Văn Ý (phố 3, P.Trung Sơn, TP.Tam Điệp, Ninh Bình) không thể nhớ chính xác đã vớt bao nhiêu thi hài cùng những câu chuyện rùng rợn khi ngủ cùng xác chết, làm bạn với tử thi trong đêm.
Hơn 40 năm "bén duyên" với xác chết mỗi đêm
Nhắc đến ông Ý gàn, khắp thành phố Tam Điệp không ai là không biết. Người ta gọi ông với những biệt danh khá đặc biệt như “người cựu chiến binh bén duyên với những xác chết”, “dị nhân săn xác chết” hay “người có tay mò xác chết".
Rất nhiều biệt danh được đưa ra để gọi thay tên nhưng dù được gọi với cái tên nào thì ông cũng không quan tâm nhiều, bởi lẽ, những việc ông làm đều xuất phát từ cái tâm của người lính.
"Dị nhân" Nhâm Văn Ý với căn nghiệp ngủ cùng xác chết. Ảnh Trí Kiên
Không chỉ giúp những thi hài được an nghỉ, ông còn là người luôn tận tâm giúp đỡ những số phận “sa cơ lỡ vận”. Với những xác chết, người tử nạn không rõ thân nhân, ông đem đi làm công tác mai táng như người thân trong gia đình.
Cậu bé Diễn sinh ra tại vùng quê Thái Bình vào năm 1946. Khi vừa tròn 5 tuổi, ba mẹ ông đã bị giặc Pháp giết chết trong một trận càn lớn. Cậu bé Diễn được gia đình họ Nhâm thương tình nhận nuôi và cho đi ăn học đàng hoàng. Từ đó cậu bé Diễn trở thành con người ta, đổi tên thành Nhâm Văn Ý.
Học xong cấp ba, ông Ý công tác tại đoàn chèo Thái Bình, có khá nhiều đóng góp trong hoạt động diễn xuất với những tác phẩm để đời như “Bài ca giữ nước”, “Đồng tiền Vạn Lịch” hay “Hoàng Trìu kén vợ” cùng nhiều tác phẩm khác…
Sau những năm dài cống hiến cho công tác nghệ thuật tại đoàn chèo quê nhà, hằng đêm ông vẫn nhìn lên trời và nghĩ về giặc Pháp với sự căm phẫn đến cao trào. “Chúng đã cướp đi gia đình của tôi khiến tôi phải mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người vì sau đó ít lâu được gia đình họ Nhâm cưu mang” – ông Ý tâm sự.
Ông Ý có xuất thân từ 3 đời vớt xác chết. Ảnh Trí Kiên
Giữa năm 1965, khi giặc Mỹ triển khai nhiều chiến thuật chiến tranh ác liệt giữa chiến tuyến hai miền Nam - Bắc, ông Ý quyết định viết đơn xin nhập ngũ. Trong quá trình xét tuyển, ông đã bỏ gạch vào bụng cho đủ cân nặng để được nhập ngũ vào chiến trường.
Một năm sau đó, ông cùng tiểu đội hơn một trăm hai mười người lên đường vào tiếp viện cho chiến trường Quảng Trị. Trên đường hành quân, địch bắn phá, đặt bom nhằm phá hỏng nhiều tuyến đường huyết mạch.
Số đồng đội của ông hy sinh trên đường hành quân ngày hôm trước luôn nhiều hơn ngày hôm sau ít nhất một người. Khi tiểu đội hành quân gần đến chiến tuyến, số đồng đội trong đơn vị ông hy sinh gần một phần ba.
Dị nhân Nhâm Văn Ý. Ảnh Trí Kiên
Vừa tiếp cận vòng ngoài của chiến trường Quảng Trị, người bạn đường thân thiết nhất của ông đã hy sinh do bị xe tăng địch cán qua người.
“Anh ấy tên Long. Hai chúng tôi rất hợp, có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe. Thế nhưng, thật không may khi tiểu đội của tôi vừa đặt chân đến vòng chiến Quảng Trị thì bất ngờ bị xe tăng địch mở đợt càn quét, tấn công khiến nhiều đồng đội hy sinh. Trong số đó, anh Long do mải tiêu diệt địch nên bị chúng bắn trọng thương rồi lái xe tăng đến cán ngang người”.
Sau khi chứng kiến đồng đội hy sinh dưới mũi tăng của địch, người đàn ông chết lặng đi một lúc. Ông Ý “án binh bất động” trong lùm cây đợi địch đi qua để gom từng bộ phận cơ thể đồng đội nhanh chóng an táng rồi chạy một mạch theo kịp tiểu đội.
Vào đến thành cổ Quảng Trị, anh em nhanh chóng chuẩn bị tư trang tiếp viện cho chiến tuyến. Tuy bộ đội vào nhiều nhưng số bị đánh bật ra cũng không ít. Nhìn xác đồng đội rải rác khắp chiến trường, đôi lúc cũng khiến ông run sợ.
Khoảnh khắc yếu mềm qua đi, ông lại đứng vụt dậy giúp mọi người đưa thi hài đồng đội trở ra để an táng. Những ngày sau đó, cả tiểu đội liên tục phải hứng chịu những cơn “mưa bom, giông đạn” của máy bay địch trút xuống.
Ông Ý trong một lần chuẩn bị hành trang đi làm nghề. Ảnh Trí Kiên
Những lúc tranh thủ nghỉ ngơi, anh em mệt mỏi nên mỗi người nằm một góc. Thế nhưng, ông Ý chẳng có chút tâm trí nào để chợp mắt dù chỉ là trong chốc lát, bởi lẽ hình ảnh những người đồng chí hy sinh vẫn luôn ám ảnh ông.
Và rồi ông lại đứng lên đi gom thi hài đồng đội về một địa điểm, giúp đội hậu cần làm công tác an táng để anh em được sớm an nghỉ. Cứ thế, sau mỗi trận chiến với địch, ông Ý lại không nghỉ mà nhanh chóng đưa thi hài đồng đội ra khỏi khu vực bom đạn.
Trong chiến trường sống chết là gang tấc. Thế nhưng, mỗi đêm ông vẫn cố nén lại dăm bảy phút để lụi hụi ghi chép thông tin về người chết, đánh số và ngày tháng chôn cất.
Hòa bình trở lại trên hai miền, ông trở về quê nhà, xây dựng gia đình cùng người phụ nữ Vũ Thị Non (Tam Điệp, Ninh Bình). Thời gian sau giải phóng, một lần trên đường đi làm về, ông chứng kiến vụ tai nạn xe tải mất lái cuốn xe máy vào gầm khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.
Thấy mọi người đứng xem rất đông nhưng không ai dám lại gần. Khi ấy, ông Ý mạnh dạn đi đến lật ngửa người nạn nhân ra rồi báo công an. Sau đó, ông chạy về bảo vợ đưa tiền đi mua quan tài để làm công tác mai táng cho nạn nhân xấu số.
Do nạn nhân không đem theo giấy tờ tùy thân nên đến nay vẫn đang nằm lại trên khu nghĩa trang trên núi của thành phố. Từ đó, ông cũng “gom, nhặt” được nhiều tử thi, thi hài trẻ nhỏ hơn. Mỗi khi bắt gặp một thi thể do tai nạn giao thông hay bất kể nguyên nhân gì người ta lại nghĩ ngay đến “lão Ý tử thi”.
Trước khi đến với cái nghiệp “ngủ cùng xác chết”, ông nhiều lần vấp phải sự phản đối từ gia đình, người thân. Thế nhưng, với cái tâm sáng cùng mục đích cao đẹp đã giúp ông vượt lên để bỏ ngoài tai những lời nói ác ý, vô giá trị với mình.
Ngoài việc người vợ đòi ly thân, dắt con về nhà mẹ đẻ thì những đứa con của ông cũng nhiều lần ngỏ ý từ cha nếu ông không bỏ công việc trên. Để rồi sau mỗi lần như vậy, ông lại về quê vợ để an ủi, nói chữ tình, chữ lý để rước bà về. Với những người con trai, ông dành nhiều thời gian ngồi tâm sự, theo thời gian chúng cũng hiểu cho ông hơn.
Người đàn ông có tay mò xác chết
Gần nửa đời người, ông đã thu gom, vớt hơn 5 ngàn xác chết để mai táng, từ thi hài đồng đội cho đến người chết do tai nạn giao thông hay thi thể trôi sông. Ông không phân biệt người đã qua đời như thế nào, chỉ cần biết đó là xác chết chưa được chôn cất là ông không chút phân vân đi mua quan tài để an táng, giúp vong linh những người đã khuất sớm an nghỉ.
Ông Ý chia sẻ với PV Đời Sống Plus. Ảnh Trí Kiên
Ông Ý cũng nổi tiếng cả vùng bởi “ngón” nghề mò xác chết trôi sông. Người đàn ông được ví là “kình ngư” sông nước cười hào sảng kể:
"Lần đầu có người tìm đến nhờ mò thi thể người thân chết đuối, tôi có phần lúng túng nhưng nghĩ không làm thì tội cho gia đình họ và cũng cảm thấy áy náy nên gật đầu nhận lời cho thanh thản. Khi mò được xác, họ gửi tôi tiền công nhưng tôi không nhận hết mà để lại một phần làm lễ cúng cho vong linh người chết”.
Theo ông, mọi người trong nghề này đều làm vậy để linh hồn người chết nước không “ám” vào thợ lặn. Hơn 40 năm trong nghề mò xác thuê, chưa một lần nào ông Ý khiến người nhờ phải thất vọng ra về.
“Cách đây 5 năm về trước, có cô gái chừng 20 tuổi ngã xuống sông chết đuối. Cha mẹ cô gái đó đã thuê hết thợ lặn xa gần đến mò xác suốt cả tuần nhưng bất thành. Đến ngày thứ 7 họ tìm đến tui. Đáy sông rất sâu, sau nửa ngày lặn xuống thì tôi thấy thi thể cô gái kẹt dưới một thân cây lớn, thi thể bị đất bùn phủ lên nên khó nhận diện.
Do đáy sông quá sâu nên tôi gọi thêm nhóm người cùng lặn xuống hỗ trợ nhưng đều không gỡ được thi thể ra khỏi thân cây. Một lúc sau, tui vừa chạm vào thì thi thể bất ngờ nổi lên... Bởi vậy, giờ ở đây ai cũng gọi tui là có tay mò xác chết", ông Ý nhớ lại.
Nói về nguy hiểm trong nghề, ông chia sẻ: "Nghề nào cũng có khó khăn, hiểm nguy rình rập. Nghề này vừa nguy hiểm như “giỡn mặt” với tử thần, sống nay chết mai, lại không đủ ăn, nhưng nếu không làm thì vợ con chết đói mất.
Giờ tuổi đã cao, chỉ mong ở nhà được an nhàn nhưng nhìn vợ đói, con cháu nheo nhóc, nhà cửa dột nát tui cũng xót, lại phải cởi áo lao đầu xuống sông. Một ngày kiếm được bao nhiêu đó thôi cũng mừng rồi.
Với lại nghề của ông cha truyền lại, gần 30 năm nay cứ như đã là “nợ đời”, mình cũng gắng giữ gìn và truyền cho con cháu, vừa giúp được người ta lỡ khi cần, vừa giúp mình mưu sinh”.
Tâm hồn không thể vẫn đục
Sau gần nửa đời người làm công việc săn xác chết, ông cho biết không ít lần mơ tử thi sống lại trò chuyện cùng mình (ảnh Trí Kiên)
Nói về người chồng chuyên đi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình, bà Vũ Thị Non ngao ngán đáp:
“Nhiều lần tôi khuyên ngăn, dùng đủ mọi cách nhưng ông ấy vẫn quyết không dứt được cái nghiệp này. Người ta sinh ra cái nghiệp để mưu sinh còn chồng tôi lấy nghiệp để làm ơn, làm phước.
Không ít lần tôi bồng con về nhà mẹ đẻ ở nhưng rồi bằng lời mật ngọt, ông ấy lại đưa mấy mẹ con trở lại. Ở lâu rồi cũng thành thói quen, là phận vợ nên tôi chỉ cố gắng để chăm sóc giúp cho chồng con có sức khỏe, ngày hai bữa cơm để ông ấy đi lo cái nghiệp của mình”.
Không ít lần bà Non tủi thân khi đang trong bữa cơm thì điện thoại của chồng đổ chuông. Những lúc như vậy, ông Ý chẳng cần suy nghĩ, ăn vội bát cơm rồi phóng xe đến nơi vớt xác.
Đặc biệt, trong quá trình khâm liệm tử thi, tận mắt thấy hàng chục cây vàng, nhẫn đeo tay hay vòng đeo cổ trên thi thể người xấu số nhưng ông Ý không một chút tơ tưởng cho riêng mình, ông lặng lẽ gói ghém cẩn thận, đem giao nộp lại hết cho công an.
Gần nửa đời người làm việc thiện từ tâm, ông bỏ qua tất cả những lời đàm tiếu. Ông nói: “Những người mất người thân trong tai nạn vẫn phải hứng chịu nỗi đau mất mát lớn hơn rất nhiều nên việc tôi làm chưa đáng gì.
Hy vọng rằng việc làm đó sẽ góp phần làm nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau của người thân nạn nhân, đồng thời giúp những nạn nhân xấu số và đồng đội tôi ở chiến trường sớm an nghỉ”.