F0 tại các địa phương tăng nhanh, thông điệp 5K có còn phù hợp?
Trong bối cảnh F0 tại các địa phương tăng nhanh như hiện nay, nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu thông điệp 5K được đưa ra trước đó liệu có còn phù hợp?
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại các địa phương trên cả nước đang tăng nhanh, theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 11/3, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: là 153.998 ca/ngày. Riêng từ 16h ngày 10/3 đến 16h ngày 11/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 169.114 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 169.090 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.429 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 112.937 ca trong cộng đồng).
Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu việc thực hiện thông điệp 5K mà Bộ Y tế đưa ra trước đó có còn thực sự phù hợp hay không? Cũng có không ít người dân đề xuất thay thế thông điệp 5K bằng 3K để thích ứng với tình hình mới. Trong khi đó chuyên gia cho rằng nếu 5K không cản trở cuộc sống thì nên tiếp tục duy trì.
Chia sẻ trên Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, 5K không có nghĩa phải thực hiện tuyệt đối. Nếu cản trở cuộc sống thì có thể thay đổi linh hoạt. Nhưng nếu tuân thủ được mà không hại gì thì không nên vội vàng thay đổi.
Theo PGS.TS Dũng, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế được lấy từ thông điệp của WHO. Các khuyến cáo này cũng khác nhau ở từng quốc gia căn cứ theo hướng dẫn kể trên và thực tế tại từng nước. Trong đó, việc không tụ tập được hiểu là hạn chế tụ tập ở nơi khó thực hiện 5K tốt, ví dụ như tránh tới quán nhậu, quán cà phê - nơi mọi người đều không đeo khẩu trang. Còn việc giữ khoảng cách nghĩa là trừ trường hợp cần thiết phải tiếp xúc gần (như khám chữa bệnh), người dân nên hạn chế đứng/ngồi quá gần nhau.
"Tôi cho rằng thực ra khoảng cách vẫn cần thiết. Hướng dẫn mới của quốc tế vẫn yêu cầu giữ khoảng cách. Ngồi trong phòng kín giãn rộng được thì tốt hơn. Nếu được thì vẫn nên giữ 5K thay vì 3K", ông Dũng nêu quan điểm và nhấn mạnh, trong y tế công cộng thì thông điệp nên thống nhất, tránh thay đổi nhiều lần.
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định trên Dân trí, khuyến cáo 5K không còn thực sự phù hợp trong bối cảnh F0 tại các địa phương tăng nhanh như hiện nay và chúng ta cũng không theo đuổi mục tiêu "Zero Covid-19". Điều quan trọng là chúng ta cần kiểm soát tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.
Theo BS Khanh, quy định 5K nên sửa xuống còn 2K. Chúng ta giữ lại "Khẩu trang" và "Khử khuẩn". 3K còn lại bao gồm "Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" chỉ nên khuyến khích người dân thực hiện thay vì bắt buộc.
BS Khanh phân tích, tại các nhà hàng, cơ quan, việc yêu cầu giữ khoảng cách gần như là "bất khả thi". Bên cạnh đó, khi Việt Nam không còn áp dụng những biện pháp truy vết, cách ly như trước đây, việc khai báo y tế cũng không còn cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM ngày 9/3, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã kiến nghị sửa đổi thông điệp 5K phù hợp với tình hình mới.
Phân tích rõ hơn quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới, học sinh đã đến trường, cơ quan, doanh nghiệp đã làm việc lại, việc không tập trung khó thực hiện. Đặc biệt tại trường học, việc ăn, ngủ của các cháu không thể không tập trung. Do vậy thành phố cần hướng dẫn phù hợp thực tế, đảm bảo tính khả thi, tránh bất cập về sau.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc đeo khẩu trang, sát khuẩn chúng ta đã quen và có thể thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề khoảng cách, không tập trung đã có điểm bất ổn. Nếu cứ kêu gọi thực hiện 5K mà không sửa lại cho phù hợp rất khó thực hiện, hoặc nói mà không làm được.
Khuyến cáo 5K là thông điệp được Bộ Y tế công bố từ tháng 8/2020, khi dịch bùng phát mạnh trên cả nước. Cụ thể là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế. Người dân được kêu gọi thực hiện khuyến cáo này từ đó đến nay để bảo vệ bản thân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.