Đừng để ân hận vì thiếu hiểu biết về loại đồ uống này
Do nhân trần có những tác dụng lên gan, mật, cơ thể phụ nữ mang thai và sau sinh... nên nếu không có bệnh, đang giai đoạn mang thai hoặc nuôi con nhỏ thì cần thận trọng khi dùng đồ uống này.
Nước nhân trần dùng giải khát rất tốt nhưng không nên dùng hàng ngày nếu không có chỉ định. Ảnh minh họa: Internet
Nhân trần là thức uống khá phổ biến, được nhiều người đặc biệt là chị em phụ nữ ưa dùng do vị ngọt, thanh mát, lại không gây cồn ruột như uống nước trà.
Cây nhân trần còn có tên gọi là hoắc hương núi, họ hoa Mõm chó.
Thân cây nhỏ, màu tím, có lông trắng mịn. Lá mọc đối, hình trứng, đầu lá dài và nhọn, mép có răng cưa, hai mặt lá có nhiều lông mịn, toàn thân và lá có mùi thơm. Hoa mọc thành chùm dạng bông ở kẽ lá, tràng hoa màu tím xanh, môi trên hình lưỡi, môi dưới xẻ thành năm thùy đều nhau. Quả nang có nhiều hạt nhỏ...
Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính bình, quy vào các kinh tỳ, vị, can, đởm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, chỉ thống, lợi tiểu. Nước nhân trần có tác dụng tăng bài tiết mật, chống viêm nhất là với các bệnh về gan mật.
Trong y học hiện đại, nhân trần đã được Bộ môn Truyền nhiễm Trường đại học Y khoa Hà Nội dùng điều trị thực nghiệm bệnh viêm gan do virus. Kết quả cho thấy, men gan của các bệnh nhân đều trở về mức bình thường, bệnh nhân hết mệt mỏi, hết đau vùng gan, ăn ngon.
Không nên dùng chung nhân trần và cam thảo vì không có lợi. Ảnh minh họa
Cách sử dụng nhân trần như sau: Dùng nhân trần đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác hãm trong nước sôi theo kiểu pha trà để uống nhằm mục đích phòng và chữa bệnh. Để điều trị viêm gan do virus, nhân trần có thể kết hợp với một số thảo dược bổ gan khác như diệp hạ châu, cúc hoa... để tăng tác dụng.
Tuy nhiên cần lưu ý nếu ở người gan, mật bình thường khi uống nhân trần làm tăng tiết mật và tăng chức năng đào thải của gan không có lợi, làm cho gan, mật phải hoạt động mạnh. Vì vậy dùng thường xuyên hoặc liều cao là không tốt.
Cần lưu ý thêm, một số người dùng nhân trần cùng cam thảo nấu chung để uống. Trong khi đó nhân trần có tác dụng lợi niệu (đào thải nước mạnh) thì cam thảo lại có tác dụng giữ nước gây nên mất cân bằng rối loạn bài tiết nước. Bởi vậy không nên dùng chung với nhau.
Phụ nữ mang thai nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì cũng cần thận trọng khi dùng nhân trần vì uống nhiều có thể làm thai suy dinh dưỡng, chết lưu. Phụ nữ sau sinh uống nhân trần nhiều có thể bị mất sữa hoặc có ít sữa.
Cách giảm cân sau sinh. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe